Chưa xuất hiện dấu hiệu phân phối đỉnh
VN-Index vừa có tuần điều chỉnh khá nhẹ nhàng, việc tăng rướn lên trong bối cảnh dòng tiền yếu như thế này cũng không phải là tín hiệu tốt.
Thị trường chứng khoán giao dịch khá “đìu hiu” trong tuần qua, khi chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm nhẹ (-0,5%), còn thanh khoản gần như đi ngang. Có những thời điểm, lệnh mua gần như “mất hút” trên bảng điện. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đánh giá nhịp chùng lại này là diễn biến cần thiết của một xu hướng tăng bền vững, nhất là trong bối cảnh VN-Index đã tăng 10% sau 1 tháng và là một trong những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.
Tâm điểm của thị trường chứng khoán quốc tế trong tuần qua là sự kiện Mỹ công bố tăng trưởng GDP và chỉ số chi tiêu dùng cá nhân (PCE) vượt dự báo của giới đầu tư tại Phố Wall. Cụ thể, GDP quý IV/2023 của Mỹ tăng 3,3% - vượt xa mức kỳ vọng 2% của các chuyên gia kinh tế. Đồng thời, tốc độ chi tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 2,8% cũng là nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những con số này đều cho thấy nền kinh tế Mỹ đang mạnh hơn nhiều so với kỳ vọng và một cuộc suy thoái trong năm 2024 là điều mà mọi người không còn bàn luận quá nhiều nữa.
Các chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng khá tích cực với các thông tin này, dù các bằng chứng về một nền kinh tế khỏe có thể khiến Fed trì hoãn lộ trình cắt giảm lãi suất (theo dữ liệu từ CME Group thì khả năng tới cuộc họp tháng 5/2024, Fed mới bắt đầu giảm lãi suất lần đầu tiên, thay vì kỳ vọng vào tháng 3/2024 như dữ liệu cách đây 1 tháng). Dường như trong năm nay, thị trường tập trung vào câu chuyện tăng trưởng kinh tế hơn là câu chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed.
VN-Index có tuần điều chỉnh khá nhẹ nhàng, việc tăng rướn lên trong bối cảnh dòng tiền yếu như thế này cũng không phải là tín hiệu tốt. Thay vào đó, việc điều chỉnh nhẹ như tuần qua là diễn biến hoàn toàn phù hợp với bối cảnh khiến những người cầm tiền và cầm cổ phiếu đều cảm thấy hài lòng. Điều quan trọng hơn là thị trường vận động một cách rất mượt mà, không có hiện tượng “kéo xả” để phân phối đỉnh với biểu hiện là thanh khoản rất thấp trong những phiên giảm.
Hiện tại, chúng tôi vẫn ưu tiên chiến lược giao dịch theo Đà tăng (Momentum) khi dữ liệu cho thấy chúng ta đang có nhiều lựa chọn hơn ở các cổ phiếu có xu thế tăng – thống kê trên mẫu gồm hơn 1.000 cổ phiếu có giao dịch trên toàn thị trường thì có tới 616 cổ phiếu đang trong xu thế tăng và chỉ có 313 cổ phiếu trong xu thế giảm.
Trên nền tảng của chiến lược Momentum, chúng tôi ưu tiên lựa chọn cổ phiếu có vốn hóa lớn (vốn hóa trên 20.000 tỷ đồng), bởi đây là nhóm cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền mạnh mẽ nhất so với 2 nhóm còn lại. Khoảng cách được tạo ra của dòng tiền ở vốn hóa lớn và phần còn lại là rất lớn. Năm 2024 có thể là năm của cổ phiếu trụ!
Chúng tôi vẫn đánh giá tích cực về thị trường trong quý I/2024. Với bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước ổn định, VN-Index hoàn toàn có dư địa để tiếp tục tăng điểm. Thực tế thì VN-Index đang trong trạng thái sideway-up, tức là trạng thái tăng giá trong vùng tích lũy lớn và vùng tích lũy lớn hiện tại có kháng cự quanh 1.200 - 1.250 điểm. Các nhịp rung lắc ngắn hạn là diễn biến cần thiết của một quá trình đi lên bền vững và chúng tôi vẫn chưa nhận thấy có dấu hiệu bất thường ở nhịp rung lắc hiện tại.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chua-xuat-hien-dau-hieu-phan-phoi-dinh-post338570.html