Chuẩn bị cho vấn đề già hóa dân số

Già hóa dân số đang là vấn đề mang tính toàn cầu, có tác động mạnh mẽ và tạo thách thức lớn đến tình hình ổn định, phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 Thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo, đến năm 2050, tỷ lệ người từ độ tuổi 60 trở lên ở Việt Nam có thể tăng hơn 25%; đáng lưu ý, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ chuyển dịch từ xã hội già hóa sang xã hội già.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 7/2024, trong tổng số gần 17 triệu người cao tuổi, có hơn 2,47 triệu người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (trong đó có 2,2 triệu người cao tuổi đã tham gia bảo hiểm xã hội và đang hưởng lương hưu hằng tháng, với mức lương hưu bình quân gần sáu triệu đồng/tháng; 275 nghìn người tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu trong thời gian tới.

Như vậy, hiện nay cả nước có khoảng 14,5 triệu người cao tuổi không tham gia bảo hiểm xã hội, không có lương hưu; trong đó, có khoảng 1,7 triệu người hơn 80 tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; hơn 530 nghìn người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; gần 12,3 triệu người không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Dự kiến, đến ngày 1/7/2025-khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024 chính thức có hiệu lực, sẽ có thêm 1,2 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; như vậy sẽ có hơn 11 triệu người không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025.

Hiện nay, theo thống kê có hơn 14,6 triệu người cao tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; như vậy còn gần 2,4 triệu người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe. Riêng trong năm 2023, đã có gần 74,4 triệu lượt người cao tuổi tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với tổng chi phí do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hơn 59,4 nghìn tỷ đồng.

Với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người tham gia, nhất là người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mới đây, Hội Người cao tuổi Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức lễ ký Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2024-2025.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ: “Thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã chủ động, kịp thời bảo đảm giải quyết, chi trả đầy đủ các quyền lợi về chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi”.

Chia sẻ tại lễ ký kết, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.

Đáng chú ý, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định “An sinh xã hội là một lĩnh vực quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột chính, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, một công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chuan-bi-cho-van-de-gia-hoa-dan-so-post389785.html