Chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai | Hà Nội tin mỗi chiều

Chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; 73% vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai

HĐND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị.

Hướng tuyến metro đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài gần 9 km hầu hết đi ngầm theo hành lang phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 343 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, đến năm 2035, Hà Nội sẽ có 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 600 km. Hiện nay, thành phố mới hoàn thành 13 km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh – Hà Đông) và chuẩn bị đưa vào vận hành 12,5 km (tuyến Nhổn – ga Hà Nội).

Hà Nội chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai. Ảnh minh họa: Cafe F.

Hà Nội chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai. Ảnh minh họa: Cafe F.

Từ nay đến năm 2035, việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Thủ đô với 14 tuyến sẽ tiêu tốn khoảng 947 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 37 tỷ USD. Để huy động nguồn vốn lớn này, trước mắt cho giai đoạn từ nay đến 2035, UBND thành phố Hà Nội cho biết, có thể chủ động khoảng 28,5 tỷ USD từ vốn đầu tư công. Phần còn lại khoảng 8,6 tỷ USD, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ. Từ sau năm 2035, UBND thành phố Hà Nội khẳng định chủ động được nguồn vốn cho đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung.

Theo các chuyên gia, để rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội cần có cơ chế đột phá, chính sách đặc thù riêng. Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua được đánh giá là chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc đã kéo dài hàng thập kỷ, kìm bước sự phát triển về hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những khung chính sách bản lề có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy đường sắt đô thị. Những tồn tại, bất cập thực tế đã được các chuyên gia chỉ rõ như: thiếu quy định về thu hồi giá trị đất đai trong khi làm đường sắt đô thị; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung; bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các dự án đường sắt đô thị.

Phần còn lại khoảng 8,6 tỷ USD, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ. Ảnh minh họa: VnEconomy.

Phần còn lại khoảng 8,6 tỷ USD, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ. Ảnh minh họa: VnEconomy.

Tất cả những vấn đề đó sẽ được giải quyết về cơ bản căn cứ trên những quy định của Luật Thủ đô vừa được thông qua, khi Hà Nội được trao quyền tự quyết trong việc đầu tư, xây dựng các dự án đường sắt đô thị.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, thành phố có thể chủ động hoàn toàn trong giải phóng mặt bằng cũng như thời điểm thực hiện dự án thì nút thắt giải phóng mặt bằng vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội sẽ được tháo gỡ.

Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc cho phép HĐND thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô. Đây sẽ là giải pháp then chốt để rút ngắn thời gian thực hiện cho các công trình trọng điểm, nhất là đường sắt đô thị.

Hệ thống đường sắt đô thị được coi là "trục xương sống" của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông.

73% vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện

6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra gần 600 vụ cháy làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng. 73% các vụ cháy trên được xác định do sự cố về điện.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây chập cháy điện như: quá tải hệ thống điện khi sử dụng dây dẫn có tiết diện không phù hợp; không lắp đặt thiết bị bảo vệ; mối nối, điểm tiếp xúc kém dẫn đến sự cố chạm chập gây sự cố cháy nổ.

Trên thực tế, không phải lúc nào người dân cũng nhớ tắt nguồn thiết bị điện để đảm bảo an toàn điện, cũng như an toàn phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị điện trên thị trường hiện nay chất lượng không được kiểm soát, hàng kém chất lượng tràn lan, hàng giả, hàng thật lẫn lộn khiến người mua khó phân biệt. Khi sử dụng phải hàng "dỏm", thiết bị dễ bị quá tải, chạm điện gây cháy nổ.

73% các vụ cháy trên được xác định do sự cố về điện. Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

73% các vụ cháy trên được xác định do sự cố về điện. Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.

Miền Bắc đang cao điểm mùa hè nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng đồ điện gia tăng và liên tục. Một số gia đình có thói quen dùng máy điều hòa hoặc quạt mát liên tục không có thời gian nghỉ hoạt động. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy, nổ.

Do đó, trong quá trình sử dụng thiết bị điện, chúng ta cần phải lưu ý đến quy trình an toàn điện. Thường xuyên kiểm tra đường dây, những thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện như: cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm và các thiết bị sử dụng điện trong nhà. Đặc biệt, phải ngắt hẳn nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện.

Một trong những nguyên tắc an toàn điện cần thực hiện đó là lắp đặt thiết bị bảo vệ đúng cách. Lắp cầu dao hay aptomat ở đầu dây cấp điện chính và các nhánh rẽ ở các tầng nhà để ngắt dòng điện khi có chạm chập, hoặc quá tải, ngăn ngừa cháy nổ do điện, nhất là dịp nắng nóng cao điểm.

Trách nhiệm phòng cháy chữa cháy không chỉ là của các cơ quan chức năng mà còn là nghĩa vụ cá nhân và trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, việc trang bị thêm kiến thức về cách chữa cháy khi chập điện không chỉ giúp bổ sung kỹ năng sống an toàn cho bản thân mà còn là trách nhiệm đối với sự sống của mọi người xung quanh.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/chuan-bi-dau-tu-tuyen-duong-sat-do-thi-doan-ga-ha-noi-hoang-mai-ha-noi-tin-moi-chieu-249200.htm