Chuẩn bị kịch bản cho giai đoạn mới

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu lãnh đạo TP Thủ Đức cần tính đến kịch bản khi bước vào giai đoạn mới, tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân hết sức bình tĩnh, tránh chủ quan

UBND TP HCM vừa có công văn khẩn về tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội với nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.

Cửa hàng ăn, uống được bán mang đi

Theo đó, UBND TP HCM chỉ đạo tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giấy đi đường của Công an TP HCM đã cấp trong thời gian giãn cách xã hội đến hết ngày 15-9.

UBND TP HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6-21 giờ hằng ngày. Ngoài ra, TP HCM mở 2 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng.

Đáng chú ý, UBND TP HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6-18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.

Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải bảo đảm các biện pháp an toàn phòng chống dịch. UBND quận 7 và huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/lần; báo cáo UBND TP HCM trước ngày 11-9.

Tránh chủ quan khi nới lỏng giãn cách

Trong ngày 8-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu lãnh đạo TP Thủ Đức cần tính đến kịch bản khi bước vào giai đoạn mới. Trong đó, tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân hết sức bình tĩnh, chuẩn bị tâm thế, thói quen... để tránh chủ quan; khi đủ điều kiện về vắc-xin, quản lý được F0, quản lý được các nguồn lây, tính đến mức độ chắc chắn thì nới giãn cách trong từng khu vực, từng địa bàn. Khi các hoạt động trở lại, một trong những yếu tố quan trọng là phải bảo đảm an toàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức ngày 8-9Ảnh: Trường Hoàng

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức ngày 8-9Ảnh: Trường Hoàng

TP Thủ Đức tiếp tục xem xét, rà soát kỹ, không được chủ quan, kiểm soát nguồn lây, quản lý F0 càng chặt chẽ càng tốt và hạn chế tối đa các ca tử vong; tiếp tục phát huy những thành quả trong mở rộng "vùng xanh", an toàn để làm nhiều hơn nữa.

Chiều 8-9, tại cuộc họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, TP có 14.800 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19, trong đó hơn 12.000 trẻ đã điều trị khỏi. Hiện đang điều trị cho hơn 2.800 em. Ngoài ra, có 13 trường hợp tử vong, chiếm 0,1%. Các bé tử vong khi mắc bệnh hầu hết đều có bệnh nền kèm theo như ung thư.

Đối với túi thuốc A và B, TP đã chuẩn bị hơn 150.000 túi và đã phát hơn 130.000 túi về các địa phương. Đến ngày 7-9, đã có 83.821 bệnh nhân Covid-19 nhận được túi thuốc A, B. Riêng túi thuốc C, Bộ Y tế đã phân cho TP 50.000 túi, TP đã cấp cho các quận, huyện và TP Thủ Đức 16.000 túi. Sở Y tế TP đã đề xuất mua thêm 200.000 túi thuốc A, B và chia thành 2 đợt.

Thông tin về 2 địa phương gồm quận 7 và huyện Củ Chi công bố kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng trăm trường hợp F0, bác sĩ Hưng cho biết đây chưa phải "vùng xanh" nên vẫn còn nguy cơ lây nhiễm, người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch. Khi các địa phương công bố kiểm soát được dịch bệnh không có nghĩa là trên địa bàn hoàn toàn không có ca bệnh mà chỉ có tiêu chí căn cứ vào xu hướng giảm của số ca F0 trong 14 ngày.

Tại cuộc họp báo, theo ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, sở đã phối hợp các đơn vị liên quan đầu tư trang bị hệ thống ôxy cho các bệnh viện. Tổng số giường bệnh có hệ thống ôxy thở là 11.500 giường. Sở sẽ phối hợp các đơn vị lắp đặt thêm khoảng 3.500 giường bệnh có trang bị ôxy. Sắp tới, TP HCM sẽ cung cấp khoảng 13.000 chai ôxy từ nguồn huy động Sở Công Thương và doanh nghiệp hỗ trợ.

Cho phép phối vắc-xin Moderna và Pfizer

Bộ Y tế cho biết ngày 8-9, cả nước ghi nhận 12.680 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 7.851 ca phát hiện ngoài cộng đồng. Thêm 13.937 bệnh nhân khỏi bệnh. Bộ Y tế công bố thêm 335 ca tử vong, riêng tỉnh Tây Ninh bổ sung số liệu ca tử vong của tháng 8 là 99 ca.

Nhằm tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8-9, Hội đồng Tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: Trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc-xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc-xin khác để tiêm mũi 2. Cụ thể, nếu tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin Pfizer hoặc Moderna, nếu tiêm mũi 1 vắc-xin Moderna thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin Pfizer và ngược lại.

N.Dung

TRƯỜNG HOÀNG - PHAN ANH - HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/chuan-bi-kich-ban-cho-giai-doan-moi-20210908230314207.htm