Chuẩn bị kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực cho chống dịch và chính sách hỗ trợ
Kiểm toán Nhà nước đang chuẩn bị thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề 'Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ', dự kiến từ ngày 16/2/2022 đến 16/4/2022. Niên độ kiểm toán từ 1/1/2020 đến 31/12/2021.
Đảm bảo và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính Thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước hợp tác trao đổi thông tin, dữ liệu Năm 2021: Kiến nghị xử lý tài chính hơn 52.000 tỷ đồng
Kiểm toán tình hình huy động, phân bổ nguồn lực cho phòng chống dịch
Ban chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa làm Trưởng ban, mới đây đã có cuộc họp cho ý kiến về kế hoạch triển khai cuộc kiểm toán. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch kiểm toán 2022, phục vụ hoạt động giám sát và việc tham gia của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào hoạt động giám sát của Quốc hội.
Theo ông Lê Tùng Lâm - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, tổng hợp sơ bộ, tính đến 14/10/2021, số kinh phí đã vận động được là 20.646,4 tỷ đồng, trong đó, đã phân bổ, sử dụng 17.387 tỷ đồng. Ngoài ra, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đã hỗ trợ 1.449 máy thở chức năng cao; 3.700 máy thở sản xuất trong nước; 2.100 hệ thống thở ô xy dòng cao HFNC; 100 máy xét nghiệm và 63 máy tách chiết, 63 xe ô tô vận chuyển vắc xin, 63 xe tiêm lưu động, 20 xe xét nghiệm lưu động; 23 tủ âm sâu; 156 triệu bơm kim tiêm, 800.000 hộp an toàn; 9,7 triệu dung dịch pha vắc-xin tiêm chủng; 10.959.800 test nhanh; 196.860 test kháng thể; 200.000 test PCR.
Cuộc họp của Ban chỉ đạo cuộc kiểm toán chuyên đề.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt là Ban chỉ đạo), kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 đã cấp thực hiện phòng, chống dịch là 30.489,9 tỷ đồng, trong đó: Các bộ, cơ quan trung ương đã sử dụng 25.335,78 tỷ đồng; hỗ trợ các địa phương trong niên độ 2021 là 5.154 tỷ đồng.
Để triển khai nhiệm vụ kiểm toán “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo đã dự thảo đề cương cuộc kiểm toán để các đơn vị tham gia ý kiến hoàn thiện.
Dự kiến, cuộc kiểm toán sẽ kéo dài trong 60 ngày, từ ngày 16/2/2022 đến 16/4/2022. Niên độ kiểm toán là từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2021.
Về nội dung kiểm toán, các đoàn kiểm toán sẽ triển khai thu thập số liệu về tình hình huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Kiểm toán kinh phí cho nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm
Đối với nội dung kiểm toán tổng hợp, tại các bộ, cơ quan trung ương, các KTNN chuyên ngành sẽ kiểm toán đánh giá: công tác tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách đặc thù cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các bộ, ngành có liên quan; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Tài chính, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan trung ương trong thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với đó là công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và báo cáo đánh giá tình hình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tại các bộ, ngành, địa phương theo nhiệm vụ được phân công; công tác quản lý, phân bổ, huy động và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 tại: Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan.
Tại các địa phương, các KTNN khu vực sẽ kiểm toán đánh giá: công tác tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương trong thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và báo cáo đánh giá tình hình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tại các địa phương theo nhiệm vụ được phân công; công tác quản lý, phân bổ, huy động và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương có liên quan.
Đối với nội dung kiểm toán chi tiết, các đoàn kiểm toán sẽ thực hiện kiểm toán: công tác lập, phân bổ, huy động nguồn NSNN, nguồn vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ các nước; công tác lập, đề xuất đối tượng và kinh phí; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trong phòng, chống dịch Covid-19 cho các đối tượng; tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (gồm nguồn NSNN, nguồn vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ các nước).
Cùng với đó là công tác lập, phân bổ, huy động và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch Covid-19; công tác lập, phân bổ, huy động và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho hỗ trợ thử nghiệm sản xuất vắc-xin trong nước, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm (kit thử) virus SARS-CoV-2 phòng, chống dịch Covid-19…
Theo kế hoạch, cuối tháng 12/2021, Ban chỉ đạo tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương liên quan. Dự kiến, KTNN sẽ ban hành đề cương kiểm toán và duyệt kế hoạch kiểm toán vào giữa tháng 1/2022.
Không kiểm toán những nội dung đã được thực hiện
Về giới hạn kiểm toán, Phó Tổng KTNN Vũ Văn Họa cho biết, sẽ không thực hiện kiểm toán đối với những nội dung mà KTNN và Thanh tra Chính phủ đã thực hiện, chỉ thực hiện thêm các nội dung theo đề cương, kế hoạch kiểm toán khi các cơ quan trên chưa thực hiện; không thực hiện kiểm toán chi tiết công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch (chỉ tổng hợp số liệu) do Thanh tra Chính phủ đã thực hiện.