Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
Những ngày này, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu được vận hành thử toàn bộ hệ thống để hoàn thành đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại. Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội khẳng định đã sẵn sàng tiếp nhận và vận hành công trình phục vụ việc đi lại của người dân.
Những ngày này, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu được vận hành thử toàn bộ hệ thống để hoàn thành đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại. Các cơ quan chức năng của TP Hà Nội khẳng định đã sẵn sàng tiếp nhận và vận hành công trình phục vụ việc đi lại của người dân.
Đánh giá toàn diện chất lượng dự án
Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) Vũ Hồng Phương cho biết, từ ngày 12 đến 31-12-2020, toàn bộ hệ thống tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được vận hành thử. Trong thời gian này, đoàn tàu vận hành theo đúng biểu đồ chạy tàu để tổng thầu, tư vấn đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống; diễn tập các tình huống ứng phó khẩn cấp, nghiệm thu bảo vệ môi trường, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... Trong thời gian vận hành thử có sự tham gia của Hội đồng nghiệm thu nhà nước đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Căn cứ kết quả vận hành thử, dự kiến trong quý I năm 2021, liên danh tư vấn độc lập sẽ cấp chứng chỉ an toàn hệ thống cho dự án. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiệm thu công trình và bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, vận hành.
Trong 20 ngày chạy thử, mỗi ngày có 287 lượt tàu chạy với tần suất từ 6 đến 7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể từ 2 đến 3 phút/chuyến, vận hành liên tục từ 5 giờ đến 23 giờ hằng ngày. Mỗi ngày sẽ có từ sáu đến chín đoàn tàu hoạt động. Đến mỗi nhà ga, tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để đón, trả khách như khi chạy thương mại. Các đoàn tàu của dự án đều xuất phát từ điểm đầu là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi tới ga Cát Linh (quận Đống Đa). Tốc độ trung bình là 35 km/giờ (thiết kế 80 km/giờ), thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Mỗi đoàn tàu có bốn toa, sức chở hơn 900 người. Gần 700 cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tham gia vận hành thử tại các hạng mục trong nhà ga và khu trung tâm điều hành, khu bảo dưỡng sửa chữa, giống như khi khai thác thương mại. Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc thuộc tổng thầu và các nhà thầu lắp đặt thiết bị của dự án cũng có mặt trên tuyến để giám sát.
Theo Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường, trước đó, từ ngày 4-11, toàn bộ lao động người Việt Nam tham gia vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã thực hành, diễn tập các tình huống trên tuyến. Hiện, các nhân viên lái tàu có thể độc lập điều khiển tàu, không cần sự kèm cặp trực tiếp của chuyên gia. Tiếp đó, đầu tháng 12, các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập xử lý sự cố, cứu nạn cứu hộ tại ga Văn Quán, thuộc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ông Vũ Hồng Trường thông tin: “Đây là tình huống giả định, nhưng được thực hiện một cách nghiêm túc, chính xác như trong sự cố thật. Các đơn vị tham gia đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Có thể nói công tác chuẩn bị về an toàn, cứu nạn cứu hộ của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã sẵn sàng”. Sau ba ngày đầu vận hành thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các lượt tàu đã được chạy đủ theo biểu đồ hoạt động. Tổng số chuyến đạt 287 lượt/ngày; tần suất 6 phút/lượt vào giờ cao điểm, 10 phút/lượt vào giờ bình thường.
Kết nối tuyến đường sắt đô thị với hệ thống xe buýt
Để chủ động trong công tác quản lý, vận hành tuyến đường sắt đô thị này, ngày 19-10-2020, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND ban hành quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông với những quy định cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực liên quan đến dự án như công tác vận hành khai thác; điều hành giao thông vận tải; quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh; chính sách trợ giá; giải quyết sự cố, tai nạn giao thông; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... Trong đó, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) được giao tiếp nhận, quản lý, khai thác và vận hành, bảo trì đường sắt đô thị theo quyết định của UBND thành phố; chủ động xây dựng phương án quản lý, khai thác, kinh doanh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố, các quận, huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về an ninh, trật tự và an toàn giao thông đường sắt đô thị theo quy định pháp luật. Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn hằng năm trong ngân sách thành phố để phục vụ sửa chữa, bảo trì hệ thống đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đã sẵn sàng các kịch bản kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông với hệ thống xe buýt khi tuyến đường sắt đi vào khai thác thương mại. Đồng thời sẽ phát triển thẻ vé điện tử cho dự án này, tích hợp với thẻ vé của các hệ thống đường sắt đô thị với hệ thống xe buýt thường, xe buýt nhanh, bảo đảm tiện lợi nhất cho hành khách. Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Thái Hồ Phương cho biết, thành phố đã chuẩn bị ba kịch bản. Kịch bản thứ nhất, trong 15 ngày đầu chạy tàu miễn phí, đơn vị tổ chức khai thác các tuyến xe buýt theo phương án hiện đang vận hành, các chỉ tiêu khai thác giữ nguyên như hiện tại để bảo đảm việc đi lại của hành khách không bị xáo trộn. Kịch bản thứ hai, sau thời gian chạy tàu miễn phí, đơn vị sẽ điều chỉnh lại hoạt động các tuyến xe buýt, bảo đảm nguyên tắc và mục tiêu kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống xe buýt với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, bảo đảm theo lộ trình, các tuyến xe buýt ít bị ảnh hưởng sẽ điều chỉnh trước, các tuyến xe buýt bị ảnh hưởng nhiều sẽ được điều chỉnh sau, tránh gây xáo trộn việc đi lại của hành khách. Với kịch bản này sẽ điều chỉnh có lộ trình đối với bốn tuyến buýt (các tuyến số: 02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Kịch bản thứ ba là khi đoàn tàu gặp sự cố. “Đây là điều được thành phố tính tới nhằm bảo đảm an toàn hệ thống và ít ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân. Khi đó sẽ tổ chức thêm các lượt xe buýt tăng cường để giải tỏa hành khách”, ông Thái Hồ Phương nói.
Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng nêu trên, khi đưa vào vận hành chính thức trong năm 2021, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.