Chuẩn bị nhân lực số cho tương lai
Để có nguồn nhân lực số, công dân số, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành giáo dục là phải đào tạo kiến thức tin học, trang bị kỹ năng công nghệ cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những năm gần đây, các trường học ở tỉnh Bình Phước đã tập trung đầu tư máy móc, phát triển năng khiếu tin học cho học sinh. Chú trọng giáo dục tin học sớm giúp các em rèn luyện và thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, hình thành kỹ năng, thói quen, nền tảng công nghệ vững chắc cho thế hệ công dân số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa.
Sự hấp dẫn từ môn Tin học
Buổi học Tin học của học sinh Trường THCS An Lộc, thị xã Bình Long luôn thu hút sự chú ý và say mê của các em đến từ những bài giảng hấp dẫn của cô Nguyễn Thị Thúy Hà, giáo viên môn Tin học. Trong từng tiết học, cô Hà không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn tạo môi trường học tập cởi mở, vui vẻ để các em được thỏa sức khám phá các chương trình tin học từ cơ bản đến nâng cao. Giáo viên cũng luôn khuyến khích, đồng hành và giải đáp mọi thắc mắc để các em phát huy khả năng sáng tạo và đam mê với môn học.
Em Võ Nguyễn Hồng Phúc, học sinh lớp 9A2, Trường THCS An Lộc chia sẻ: “Từ khi bắt đầu tiếp cận môn Tin học em đã rất say mê và yêu thích môn học này. Bởi, tin học đã giúp em rèn luyện tư duy logic để học tốt cùng lúc nhiều môn học và phát triển bản thân trong thời đại 4.0. Quyết định theo đuổi niềm đam mê tin học nên ngoài học ở trường em còn tự tìm tòi, nghiên cứu và tham gia các hội nhóm tin học trên mạng xã hội để trao đổi, nâng cao năng lực của bản thân”.
Chú trọng giáo dục tin học sớm giúp hình thành kỹ năng, nền tảng công nghệ vững chắc cho thế hệ công dân số. Trong ảnh: Cô và trò Trường THPT Hùng Vương, TP. Đồng Xoài thực hành tin học
Còn em Từ Gia Huy, học sinh lớp 9A2, Trường THCS An Lộc, người vừa đoạt giải nhất bảng B (kỹ năng lập trình dành cho học sinh khối THCS) tại hội thi Tin học trẻ tỉnh Bình Phước lại cho rằng: Tin học là môn khá đặc biệt, nó thể hiện sự hiện đại và đi đầu trong đổi mới tư duy. Ứng dụng kiến thức môn Tin học có thể thực hiện được nhiều việc mà các môn học khác hay con người không thể làm được bằng phương pháp thủ công. Kiến thức tin học không ngừng thay đổi, do đó để học giỏi thì người học phải say mê và cập nhật kiến thức liên tục.
Từ nhiều năm nay, Trường THCS An Lộc đã quan tâm phát triển môn Tin học bằng việc trang bị khá đầy đủ các phòng máy dạy tin học với cấu hình cao, có kết nối mạng internet đảm bảo phục vụ tốt việc học tập, nghiên cứu của học sinh và giáo viên. Cô Nguyễn Thị Thúy Hà cho biết: Để học sinh học tốt môn Tin học, ngoài những kiến thức trong chương trình giáo dục, các thầy cô giáo luôn tìm tòi cập nhật kiến thức mới để nâng cao hiệu quả giờ học vì tài liệu hôm nay có thể là mới nhưng hôm sau đã là cũ. Việc cập nhật thông tin mới, chuẩn quốc tế là yếu tố quan trọng để bổ trợ kiến thức cho học sinh.
Trong chương trình giáo dục mới, vị trí, vai trò của môn Tin học có nhiều thay đổi: Từ lớp 3 đến lớp 9, Tin học là môn bắt buộc có phân hóa (trong chương trình hiện hành là môn tự chọn). Ở cấp THPT, Tin học là môn được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, phân hóa theo 2 định hướng “Tin học ứng dụng“ và “Khoa học máy tính”. Tuy nhiên, dù là môn tự chọn hay bắt buộc thì đào tạo tin học sớm trong nhà trường sẽ rất cần thiết, trang bị cho học sinh kiến thức cả về lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành cơ bản. Qua đó, giúp các em có hành trang công nghệ nền tảng vững chắc để sớm hòa nhập mạnh mẽ vào sân chơi tin học được xem là hot nhất của học sinh trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Đào tạo nguồn nhân lực số
Để chuẩn bị nguồn lực cho chuyển đổi số, mỗi cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều được bố trí 1 giáo viên, nhân viên chuyên trách kiêm nhiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học. Các cơ sở giáo dục cấp tiểu học và THCS đã được bố trí biên chế 284 giáo viên dạy môn Tin học. Các cấp học được trang bị 8.381 máy vi tính và 2.121 máy chiếu, tivi, bảng tương tác thông minh phục vụ dạy môn Tin học.
Cô Cao Lệ Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Lộc, thị xã Bình Long cho rằng: Hằng năm, trường đều được đầu tư máy tính phục vụ yêu cầu dạy và học. 85 máy tính bố trí tại 2 phòng máy đang được giáo viên, học sinh nhà trường khai thác, sử dụng triệt để. Để phát huy năng khiếu tin học của từng học sinh, trường đã thành lập đội tuyển tin học, từ đây các em được thử sức khám phá bản thân ở các chương trình tin học nâng cao, vượt lớp.
Với mục tiêu khuyến khích thanh thiếu nhi trong tỉnh tích cực học tập, nâng cao năng lực số, làm chủ công nghệ, kịp thời phát hiện tài năng CNTT trong các trường học, các cuộc thi tin học trẻ được tỉnh tổ chức hằng năm. Trong đó, các em được thi kỹ năng lập trình và thi sản phẩm sáng tạo nhằm tạo sân chơi bổ ích dành cho những học sinh yêu thích CNTT.
Qua các cuộc thi, ngành chức năng của tỉnh sẽ phát hiện ra những tài năng CNTT để có hướng bồi dưỡng, tham gia các cuộc thi cấp khu vực, cấp Trung ương. Học sinh có kiến thức, kỹ năng về CNTT là điều quan trọng để hội nhập với thời đại công nghệ số, từ đó phát triển thành những chuyên gia CNTT trong tương lai, phục vụ sự phát triển của tỉnh”.
Chị LÊ THỊ HỒNG PHẤN
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tin học trong nhà trường đang ngày càng được quan tâm và đầu tư đúng mức. Việc thành thạo các kỹ năng liên quan đến khoa học máy tính và lập trình đang dần trở thành một điều kiện thiết yếu. Anh Nguyễn Công Thắng, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, VNPT Bình Phước nhấn mạnh: Bình Phước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cùng với đầu tư hệ thống CNTT bao phủ toàn tỉnh thì thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT từ tỉnh đến cơ sở là yếu tố quan trọng đảm bảo hạ tầng CNTT được vận hành hiệu quả. VNPT đang rất cần nguồn nhân lực CNTT. Hằng năm, chúng tôi đều ưu tiên tuyển dụng nguồn nhân lực số tại tỉnh phục vụ cho đơn vị và bổ sung nguồn nhân lực chuyển đổi số cho địa phương.
Nền tảng CNTT được xem là công cụ để học sinh trau dồi kiến thức, mở rộng tầm nhìn và mở cánh cửa bước ra thế giới. Vì vậy, học tin học hay lập trình sớm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp học sinh phát huy đam mê, định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở trường bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm trong thời đại công nghệ số. Từ đó hình thành thế hệ công dân số trong tương lai.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/146018/chuan-bi-nhan-luc-so-cho-tuong-lai