Chuẩn bị nhân sự, hoàn thiện phát triển cương lĩnh nhằm đổi mới toàn diện đất nước

Nhằm sớm đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân, Đảng đã tập trung hoàn thiện phát triển cương lĩnh nhằm đề ra những chủ trương đúng đắn và chuẩn bị thật tốt nhân sự cho Đại hội Đảng XIII.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XII) chiều 12/10 tại Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XII) chiều 12/10 tại Hà Nội.

Rốt ráo hoàn thiện phát triển cương lĩnh

Tại Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 5/2019, Trung ương đã quyết định thành lập các Tiểu ban Văn kiện và định hướng hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thời gian qua, công tác này đã được các Tiểu ban triển khai một cách rốt ráo Bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị được coi là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Báo cáo được kỳ vọng đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo. Trong năm 2019, Dự thảo Báo cáo chính trị đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; khảo sát thực tiễn và làm việc với 34 địa phương, ban, bộ, ngành; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; đặc biệt là ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo chính trị một cách bài bản, có hệ thống và tầm nhìn sâu rộng, xuyên suốt 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và định hướng xây dựng Đảng, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong 5-10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo Báo cáo đã đề cập, phân tích về bối cảnh thực hiện Cương lĩnh 2011; nhận định, đánh giá về thành tựu trong phát triển nhận thức lý luận của Đảng; những kết quả, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội; đánh giá chung về ý nghĩa và giá trị của Cương lĩnh. Đồng thời, dự thảo báo cáo cũng đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước thời gian tới; tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; định hướng lớn và giải pháp xây dựng, phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Dự thảo Báo cáo kinh tế-xã hội đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài; tổ chức 7 hội nghị với đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trao đổi lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học... Thời gian qua, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội đã bám sát Đề cương được Hội nghị Trung ương 10 cho ý kiến, tích cực xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược 2011-2020 và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII là một báo cáo chuyên đề rất quan trọng trong mỗi kỳ Đại hội, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng. Dự thảo Báo cáo đã được Tiểu ban Điều lệ Đảng chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, chắt lọc báo cáo tổng kết của 68/68 tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy và 70 đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương; 35 báo cáo chuyên đề; kết quả nghiên cứu, khảo sát tại 16 địa phương, cơ quan, đơn vị; 8 cuộc hội thảo của đại diện cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; và xin ý kiến trực tiếp của một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học.

Sau khi thành lập các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng tại Hội nghị Trung ương 8, việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội đã được tiến hành một cách khẩn trương, nghiêm túc, kỹ lưỡng. Các dự thảo văn kiện Đại hội cũng đã được gửi đến các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước để lấy ý kiến tại đại hội đảng bộ các cấp.

Tại Hội nghị Trung ương 10 và 11, và Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, nỗ lực của các Tiểu ban đã nghiên cứu, xây dựng các dự thảo báo cáo, tờ trình một cách công phu, nghiêm túc, trách nhiệm; và thống nhất cao về những vấn đề cần tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến.

Những nội dung, vấn đề được trình bày trong các dự thảo báo cáo, tờ trình, và cho rằng, các dự thảo văn kiện đã chắt lọc, phản ánh được kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; kiểm điểm, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, sát với thực tế và có nhiều phát hiện, đề xuất mới. Đồng thời, cũng đóng góp, gợi mở, cho nhiều ý kiến quan trọng, nhất là trên những vấn đề lớn và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, chú trọng công tác nhân sự

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã tập trung cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng. Đây là một nhiệm vụ vô kỳ hệ trọng, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.

Từ nhiệm kỳ khóa IX, X, XI và hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XII có 70.147 cấp ủy viên các cấp bị xử lý kỷ luật trong tổng số 234.575 đảng viên bị xử lý kỷ luật (chiếm 30%). Trong đó, có 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, cả đương chức và nguyên chức. Cán bộ suy thoái không chỉ là nhiều Ủy viên Trung ương Đảng mà còn cả Ủy viên Bộ Chính trị, mức độ tham ô tăng dần lên mức hàng nghìn tỷ đồng... Gần đây nhất, vụ việc ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nhận hối lộ 3 triệu USD trong thương vụ Mobifone mua AVG, làm thiệt hại vốn Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng, đã khiến dư luận xã hội ngỡ ngàng về mức độ nghiêm trọng của vụ việc, về sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận quan chức, cán bộ Nhà nước.

Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Đình Hương cho rằng, nếu Đảng có đường lối đúng nhưng bố trí cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu sai thì đường lối không đi vào được cuộc sống, khó thành công. Trong sự nghiệp Đổi mới và hội nhập quốc tế, yêu cầu về cán bộ có bản lĩnh, năng lực, trí tuệ và đạo đức trong sáng càng trở nên bức thiết, để đảm bảo thành công. Ngược lại, nếu để lọt cán lãnh đạo không đủ phẩm chất thì sẽ chuốc lấy hậu quả khó lường.

Theo ông Nguyễn Đức Hà- nguyên Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ta là đảng cầm quyền duy nhất. Điều này tạo nên sự khác biệt của Đảng ta so với các đảng khác trên thế giới. “Một đảng duy nhất cầm quyền có nhiều thuận lợi (trong việc tập hợp lực lượng, thống nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân…) nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ: dễ dẫn tới chủ quan, thỏa mãn, không có sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo nên không nhìn thấy những khuyết điểm của mình”, ông Hà phân tích.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hà, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với công tác cán bộ bởi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ được xác định là khâu ‘then chốt’ của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và rộng hơn là đối với toàn bộ sự nghiệp Đổi mới.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường. Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.

Khẳng định, hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, phải chuẩn bị thật tốt cả hai nội dung, nhưng đặc biệt chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội.

Trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cần làm tốt công tác cán bộ và tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bảo đảm cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Trên cơ sở các Nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Trung ương, các cấp ủy cần chủ động cụ thể hóa, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ và nhân sự cấp ủy cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đảng bộ. Tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch cấp ủy làm cơ sở xây dựng phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng nhóm đối tượng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, điều hành và xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Cần tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, tích cực, khách quan, công tâm của các cơ quan có thẩm quyền trong đánh giá cán bộ; đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Để chủ động phương án nhân sự, cần kết hợp hài hòa giữa chuẩn bị nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ, bảo đảm cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, đủ thời gian rèn luyện và thử thách qua thực tiễn.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. Đồng thời, cần chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng.

Bên cạnh đó, Đại hội là cơ quan lãnh đạo, tập trung bản lĩnh, trí tuệ của toàn đảng bộ. Do đó, việc lựa chọn, bầu đại biểu dự đại hội cấp trên phải là những đồng chí thật sự có phẩm chất, năng lực, uy tín và tiêu biểu cho trí tuệ của đảng bộ; đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý, nhất là cơ cấu đại biểu giữa địa phương với ngành, lĩnh vực công tác để nâng cao hơn chất lượng thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đại hội.

Trọng Bằng

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/chuan-bi-nhan-su-hoan-thien-phat-trien-cuong-linh-nham-doi-moi-toan-dien-dat-nuoc-329590.html