Chuẩn bị phẫu thuật, người đàn ông xin hoãn để về họp dòng họ xin ý kiến
Bị tái phát ung thư dạ dày, bác sĩ đã xếp lịch để mổ nhưng người đàn ông quê Thanh Hóa bất ngờ xin về nhà suy nghĩ, họp dòng họ hỏi ý kiến.
Hai năm trước, người đàn ông 75 tuổi, quê Thanh Hóa mổ ung thư dạ dày, sức khỏe ổn định. Gần đây, bệnh của ông tái phát. Sau thăm khám, bác sĩ tư vấn phẫu thuật để kéo dài sự sống.
Sau khi thống nhất, bác sĩ lên lịch mổ thì người đàn ông bất ngờ xin về nhà suy nghĩ và họp dòng họ để hỏi ý kiến về việc có nên mổ không.
Khi về nhà, ông họp tất cả anh em trong dòng họ để thảo luận. Mọi người khuyên “can thiệp cũng chẳng sống thêm được bao lâu” nên ông đã liên hệ lại với bác sĩ để hủy cuộc phẫu thuật.
Khá bất ngờ với quyết định của người bệnh, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K giải thích “cuộc phẫu thuật 2 năm trước giúp ông sống khỏe, ca phẫu thuật lần này tiên lượng cũng rất khả quan”.
Bất chấp lời khuyên ngắn của bác sĩ, người đàn ông quyết dùng thuốc nam.
Một trường hợp khác, người đàn ông 55 tuổi, quê Nam Định đi khám do đau ở ngực, ăn hay đầy bụng thỉnh thoảng buồn nôn, kèm rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày, đại trực tràng và siêu âm bụng. Sau một hồi ra ngoài suy nghĩ, người bệnh quay trở vào phòng và từ chối xét nghiệm, nói “thà không biết bệnh, về còn ăn ngon ngủ kỹ, nếu biết bệnh ung thư coi như chết”.
Hay bệnh nhân nam 48 tuổi, quê Quảng Ninh nhập viện do xuất huyết, đi ngoài phân đen, máu chảy khó cầm, chỉ định mổ. Tuy nhiên, gia đình nhất mực nói chỉ cần truyền máu vì có thầy lang đang đợi sẵn ở nhà để điều trị cho. Quyết định này khiến bác sĩ bất ngờ bởi tiên lượng người bệnh rất nặng.
Theo bác sĩ Hà Hải Nam, trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện, số lần bác sĩ bị bệnh nhân từ chối điều trị rất nhiều. Những lúc đó, bác sĩ đặt ra nhiều băn khoăn: “Vì sao bác sĩ không thể lấy được niềm tin của người bệnh? Vì sao y học hiện đại đầy đủ bằng chứng có thể chữa được bệnh nhưng bệnh nhân vẫn quay lưng? Vì sao người bệnh chọn thuốc nam, cúng bái thay vì điều trị theo chỉ dẫn khoa học?”.
Theo bác sĩ Nam, nhiều người bệnh từ chối điều trị do thiếu hiểu biết, luôn nghĩ ung thư là án tử, có phẫu thuật cũng chết. Lúc này, họ tin vào thầy lang và các phương thuốc được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.
Phẫu thuật có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Nếu ở giai đoạn sớm, phẫu thuật là phương pháp gần như duy nhất để điều trị, hơn thế còn điều trị để khỏi bệnh.
Ở giai đoạn muộn hơn, phẫu thuật sẽ kết hợp với các phương pháp khác để giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tối ưu. Ví dụ như việc hóa xạ trị trước mổ trong ung thư trực tràng giúp khối u nhỏ lại, tạo thuận lợi để phẫu thuật cắt bỏ sạch sẽ khối u và hạch. Hóa chất sau mổ đối với ung thư phổi, dạ dày giúp tăng tỷ lệ khỏi bệnh so với việc chỉ phẫu thuật đơn thuần.
Bên cạnh đó, có những bệnh ung thư, ngoài phẫu thuật, sẽ không có phương pháp điều trị triệt để nào khác như ung thư tuyến giáp, ung thư da, ung thư phần mềm,ung thư hắc tố. Chưa hết, ung thư ở giai đoạn có biến chứng như chảy máu, tắc ruột, thủng vỡ u thì bắt buộc phải có can thiệp ngoại khoa tức là phẫu thuật, nếu không người bệnh sẽ bị nguy hiểm tới tính mạng.
Cũng có những bệnh ung thư phẫu thuật rất ít tác dụng như ung thư vòm, ung thư hạch bạch huyết, bởi lúc đó vai trò của hóa chất, xạ trị mới là yếu tố quyết định.
Việc người bệnh tự ý bỏ về là mối nguy lớn, làm tăng nguy cơ tử vong. Ngoài ra, đa số bỏ điều trị khi trở lại viện đều ở giai đoạn càng muộn, gây tốn kém tiền bạc và mệt mỏi tinh thần.
Chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần tin tưởng và thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, chữa trị sớm nhất có thể, thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất giúp cơ thể chống chọi bệnh tật.
Theo tổ chức GLOBOCAN năm 2021, Việt Nam ở vị trí thứ 90/185 quốc gia về tỷ lệ mắc mới ung thư. Mỗi năm, nước ta có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Bình quân cứ 100.000 người Việt có 159 ca được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 trường hợp tử vong.
Hiện, Việt Nam chưa có thống kê bệnh nhân bỏ điều trị, song tỷ lệ người lựa chọn uống thuốc nam, ăn thực dưỡng thay vì điều trị theo chỉ định ngày càng tăng. Y khoa chưa ghi nhận trường hợp nào khỏi ung thư chỉ nhờ thuốc nam, thuốc gia truyền.