Chuẩn bị phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong vụ đông xuân

Nhằm ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước tưới trong vụ đông xuân 2022-2023, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cân đối nguồn nước tưới, khả năng khai thác các nguồn nước tưới bổ sung và đẩy mạnh sử dụng các giống ngắn ngày có năng suất cao, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt vào sản xuất.

Trong ảnh là nông dân thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022. Ảnh: Trung Chánh.

Trong ảnh là nông dân thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022. Ảnh: Trung Chánh.

Theo kế hoạch, trong vụ đông xuân này, các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên xuống giống 326,2 ngàn ha, giảm 1,93 ngàn ha; mục tiêu năng suất bình quân đạt 66,58 tạ/ha, tăng 1,81 tạ/ha; sản lượng 2.172 ngàn tấn, tăng 47 ngàn tấn so với vụ đông xuân 2021-2022.

Cục Trồng trọt đã đề nghị các địa phương cân đối nguồn nước tưới, khả năng khai thác các nguồn nước tưới bổ sung. Trên cơ sở đó, vùng an toàn nguồn nước cho sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh; vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho sản xuất cần bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn đến sản xuất lúa; đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy mạnh sử dụng giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt vào sản xuất. Những vùng có nguy cơ thiếu nước cần bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn.

Cùng với đó chủ động nạo vét các kênh mương, gia cố các bờ đập, kiểm tra và sửa chữa, tu bổ các công trình thủy lợi, quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Nông dân cần chủ động chuyển đổi mùa vụ và cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước, địa phương thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh việc cấp thoát nước cho phù hợp với sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, theo đó với những vùng khả năng bị hạn hán, thiếu nước tưới cần chuyển đổi cây trồng cạn như ngô, lạc, mè, rau đậu các loại, sắn, khoai lang… hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại do khô hạn. Những vùng có tưới khi chuyển đổi sang trồng màu, tập trung đầu tư thâm canh những cây trồng hiệu quả cao như: ngô lai, lạc, đậu tương, rau đậu các loại.

Tuy nhiên, các địa phương cũng cần lưu ý khi chuyển đổi trên đất lúa cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước. Mặt khác, trên đất chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tránh để úng cục bộ.

Việc vận dụng cơ chế chính sách, đầu tư nguồn lực, tăng cường đẩy mạnh liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua hình thức liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn, nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng đầu vào cho sản xuất… cũng cần được địa phương đẩy mạnh.

Vụ hè thu, vụ mùa năm 2022 ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên được đánh giá gặp nhiều thuận lợi do các địa phương đã bố trí thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực theo chủ trương bảo đảm nguồn nước, phòng tránh dịch hại và tiết kiệm chi phí sản xuất; hệ thống kênh mương thủy lợi, các hồ chứa được nâng cấp, tu sửa kịp thời phục vụ tưới tiêu ổn định và hiệu quả… Chính vì vậy, vụ sản xuất này có năng suất, sản lượng đều tăng. Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu tăng 35 ngàn tấn so với vụ mùa 2021.

Tổng hợp từ TTXVN, nhandan.vn

T.H

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuan-bi-phuong-an-ung-pho-han-han-xam-nhap-man-trong-vu-dong-xuan/