Chuẩn bị phương án xét nghiệm cho người nhập cảnh khi mở lại một số đường bay quốc tế
Chiều 9-9, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo. Các thành viên tham gia cuộc họp đã bàn về sản xuất sinh phẩm xét nghiệm mới (test kit); kinh nghiệm các nước tổ chức xét nghiệm người nhập cảnh tại sân bay.
Chiều 9-9, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo. Các thành viên tham gia cuộc họp đã bàn về sản xuất sinh phẩm xét nghiệm mới (test kit); kinh nghiệm các nước tổ chức xét nghiệm người nhập cảnh tại sân bay.
Về sản xuất test kit, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Nguyễn Công Tạc cho biết, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được hai loại test kit nhanh tìm kháng thể sử dụng máy và không cần sử dụng máy, có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 sau bảy ngày. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã sản xuất được test kit tìm kháng nguyên thực hiện bằng phương pháp Realtime-PCR, có độ chính xác cao, phát hiện sớm người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 nhưng thời gian thực hiện lâu, yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.
Nhấn mạnh về yêu cầu phải chung sống an toàn với dịch bệnh, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, việc triển khai phương án thực hiện xét nghiệm nhanh ngay tại các cửa khẩu, sân bay, sự kiện tập trung đông người… để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, không để sót, để lọt là vô cùng quan trọng. Trên tinh thần đó, các doanh nghiệp trong nước đang khẩn trương nghiên cứu, sản xuất loại test kit nhanh có giá thành thấp, có thể sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện có, thời gian thực hiện ngắn hơn nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương hoặc cao hơn phương pháp Realtime - PCR hiện nay.
Qua thảo luận về kinh nghiệm triển khai xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 tại sân bay ở một số quốc gia như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan, Ấn Độ… các ý kiến đề nghị Bộ Y tế lên ngay kế hoạch tổ chức đón, xét nghiệm người nhập cảnh tại các sân bay quốc tế khi chúng ta sắp mở lại một số đường bay quốc tế. Bộ Y tế, Bộ KH và CN, các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện cao nhất để thử nghiệm tất cả các loại test kit xét nghiệm nhanh do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. Nếu những loại test kit này sử dụng tốt, giá thành thấp thì chúng ta có thể tính đến phương án mở rộng xét nghiệm nhanh ở các bệnh viện, sự kiện tập trung đông người… Các đại biểu đề nghị Bộ Y tế tiếp tục siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh, không để cho mầm bệnh trong cộng đồng lây nhiễm vào các bệnh viện.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ KH và CN cho biết sẽ đặt hàng mua test kit nhanh tìm kháng nguyên của các công ty trong nước sản xuất để thử nghiệm trên thực tế. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cũng sẽ đặt hàng doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm tại sân bay như kinh nghiệm một số nước.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 9-9 Việt Nam có thêm năm ca nhiễm Covid-19 mới (người bệnh 1.055, 1.056, 1.057, 1.058, 1.059), nhưng cả năm ca này đều từ nước ngoài nhập cảnh về nước, nâng tổng số người mắc trong cả nước lên 1.059 trường hợp. Năm người bệnh này từ U-crai-na về nước trên chuyến bay VN28 nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 1-9, được chuyển cách ly tập trung tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm lần một ngày 3-9 là âm tính, kết quả xét nghiệm lần hai ngày 9-9 tại Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh là dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Hiện những người bệnh này được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), trong ngày 9-9 có 22 người được công bố khỏi bệnh, gồm 10 người ở Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (Đà Nẵng); bốn người ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh; bốn người ở Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam; hai người ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu; hai người ở Đắk Lắk (trong đó có một người được công bố khỏi bệnh ngày 26-8).
Bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau một thời gian điều trị, người bệnh thứ 602 với bốn lần xét nghiệm PCR liên tiếp đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, sức khỏe ổn định, đủ điều kiện xuất viện và đã được ngành y tế Đắk Lắk làm thủ tục cho xuất viện. Tuy nhiên, người bệnh 602 có nguyện vọng muốn được tiếp tục cách ly thêm 14 ngày tại khu cách ly tập trung tỉnh Đắk Lắk rồi mới về nhà. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn một người nhiễm Covid-19 (thứ 448), trong quá trình điều trị, kết quả xét nghiệm lúc âm tính, lúc dương tính với SARS-CoV-2 nên phải tiếp tục cách ly để theo dõi và điều trị.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết, từ ngày 4-9 tới nay đã triển khai lấy tổng số 1.784 mẫu huyết thanh thực hiện xét nghiệm Elisa xác định tình trạng miễn dịch sau nhiễm SARS-CoV-2 ở nhóm người nguy cơ cao phơi nhiễm Covid-19. Đối tượng lấy mẫu huyết thanh là người từ TP Đà Nẵng về Hải Dương trong tháng 7-2020; người đã đến nhà hàng Thế giới bò tươi số 36 Ngô Quyền (TP Hải Dương) từ ngày 15 đến 20-7; người dân trong ổ dịch và vùng phong tỏa cách ly y tế thuộc các huyện Bình Giang, Nam Sách, Gia Lộc và TP Hải Dương. Toàn bộ số mẫu này được chuyển lên Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để thực hiện xét nghiệm, phân tích.