Chuẩn bị sản xuất vụ xuân năm 2022

Vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 10.000 ha lúa; 10,2 nghìn ha ngô. Hiện nay, việc chuẩn bị về giống, phân bón… cơ bản đủ cung ứng cho các địa phương trong tỉnh, riêng lúa giống có thể cung cấp đủ cho cả vụ mùa.

Nông dân sản xuất vụ xuân.

Nông dân sản xuất vụ xuân.

Từ tháng 11/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn khung thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ xuân, chỉ đạo các địa phương đăng ký nhu cầu để chủ động nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Trong đó, tổng nhu cầu trên địa bàn tỉnh là 450 tấn lúa giống và 204 tấn ngô giống. Trung tâm Giống nông nghiệp và các đơn vị cung ứng đã chuẩn bị đầy đủ lượng giống phục vụ sản xuất vụ xuân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương chỉ đạo nông dân không sử dụng các loại giống trôi nổi trên thị trường.

Theo khung thời vụ, gieo cấy 100% trà xuân muộn, gieo mạ xung quanh tiết lập xuân 4/2/2022. Cấy khi mạ có 3 lá thật và kết thúc cấy trong tháng 3 để kịp thời giải phóng đất cho sản xuất lúa mùa và tuyệt đối không gieo cấy khi nhiệt độ xuống dưới 15oC.

Sử dụng giống ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng 120 - 130 ngày, giống có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn tốt và phù hợp với điều kiện ngoại cảnh. Bố trí cơ cấu giống theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, giá trị, hiệu quả cao và thị trường tiêu thụ lớn, trong đó nhóm giống lúa lai chiếm khoảng 30% diện tích gieo cấy, sử dụng các giống chủ lực như LC25, LC212, LC270, Tân Thịnh 15, Thái Xuyên 111, Syn98, 27P53, TH3-3, CT16, GS16,GS55.

Nhóm giống lúa thuần chất lượng chiếm khoảng 70% diện tích gieo cấy, sử dụng các giống chủ lực như thiên ưu 8, BC15, TBR225, BC15 kháng đạo ôn, BT7 kháng bạc lá, Đông A1, Đài thơm 8, VNR20, HANA số 7, HANA167, LH12… Giống lúa đặc sản địa phương như Séng cù, nếp tại các huyện Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn.

Đối với các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, đậu tương, lạc, trong đó ngô xuân sử dụng các giống chủ lực như CP333, LVN885, LVN61, LVN99, VS36, LVN145 (AG59), CP 888, Bioseed 9698; đối với đậu tương, lạc đưa vào sản xuất như ĐVN10, ĐT26, DT2001, DT2008, DT84 và giống lạc MD7, L26, TB25.

Các huyện vùng thấp sẽ không trồng ngô muộn thời vụ, vì ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây ngô. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh bám sát vào quy hoạch sản xuất cây trồng vụ đông, đảm bảo thu hoạch vụ đông hoàn thành trước khi bước vào sản xuất vụ xuân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các địa phương che phủ bằng các vật liệu thân thiện với môi trường cho toàn bộ diện tích mạ đã gieo khi nhiệt độ xuống thấp để tránh rét và ngăn chặn sự xâm nhập của dịch hại. Chủ động dự phòng giống có thời gian sinh trưởng ngắn để gieo cấy bù diện tích lúa và mạ bị chết do rét đậm, rét hại. Bón lót đủ, bón thúc theo đúng quy trình thâm canh của từng giống. Hiện nay, nông dân 3 huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên đã xuống được 13,1 tấn giống. Toàn bộ diện tích mạ được phủ nilong đảm bảo phòng chống rét, sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân bắt đầu cấy trà sớm vào ngày 15 - 20/1/2022.

Từ cuối năm 2021, toàn tỉnh đã tập trung cao để thực hiện thắng lợi sản xuất vụ xuân năm 2022. Các địa phương đã chủ động chỉ đạo nông dân nạo vét mương, làm thủy lợi mặt ruộng, đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Nông dân cũng cày lật đất và cày ải sớm, tạo điều kiện cho chất hữu cơ phân hủy, tránh ngộ độc cho cây lúa khi gieo cấy.

Ngành nông nghiệp tỉnh cử cán bộ khuyến nông đến các địa phương tập huấn kỹ thuật, chuyển giao biện pháp canh tác mới trong thâm canh lúa như SRI, phòng trừ sâu, bệnh tổng hợp. Kết hợp tập huấn kỹ thuật với việc phổ biến, hướng dẫn các chính sách, kế hoạch hỗ trợ sản xuất của tỉnh, hướng dẫn kỹ thuật và định hướng chuyển đổi hiệu quả cho người dân và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352847-chuan-bi-san-xuat-vu-xuan-nam-2022