Chuẩn bị tích cực để khai thác lợi ích từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện, phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN) hai bên.

Tuy nhiên, cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ song hành cùng khó khăn và thách thức. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Việt Nam đã chuẩn bị tích cực để có thể khai thác lợi ích từ EVFTA.

EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: ĐÌNH THẮNG

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: ĐÌNH THẮNG

Phóng viên (PV): Nghị quyết phê chuẩn EVFTA đã chính thức được Quốc hội thông qua, đề nghị Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của bước tiến này trong quá trình tiến tới thực thi hiệp định?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói, quá trình để đàm phán, ký kết và phê chuẩn EVFTA đã đi đến bước cuối cùng. Phần công việc còn lại chủ yếu là thủ tục đối ngoại trong trao đổi công hàm giữa Việt Nam và EU để chính thức hoàn tất quy trình pháp lý phê chuẩn hiệp định. Nếu như không có gì thay đổi, hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để hiệp định này có hiệu lực. Như vậy có thể nói, từ ngày 1-8, EVFTA sẽ có hiệu lực để phục vụ cho EU và Việt Nam tổ chức thực thi.

PV: Thưa Bộ trưởng, EVFTA có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam đã có quá trình rất khó khăn và gian khổ trong 9 năm để trở thành đối tác bình đẳng trong hiệp định cân bằng về lợi ích như EVFTA. Đây là một hiệp định có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển chung của Việt Nam cũng như EU, đóng góp cho sự phát triển và hoàn thiện hệ thống thương mại đa phương trên cơ sở luật lệ đã hoàn tất. Điều này cũng khẳng định, Việt Nam đã bước sang trang mới trong quá trình hội nhập, giai đoạn chủ động trong chiến lược hội nhập sâu rộng trên thế giới, bảo đảm lợi ích cốt lõi của đất nước, nền kinh tế, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước trong các cam kết này. Như vậy, có thể nói EVFTA giúp hình ảnh và vị thế của Việt Nam tiếp tục được tăng cường, củng cố ở khu vực và toàn cầu.

Nhiều cơ hội nhưng không có nghĩa là có ngay mọi thứ trong “bàn tiệc”

PV: Thưa Bộ trưởng, khi EVFTA có hiệu lực, các DN Việt Nam có thể tận dụng ngay được cơ hội vào thị trường EU hay không?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng đây không phải là thời điểm đặt câu hỏi các DN của Việt Nam có thể vào ngay thị trường châu Âu thông qua EVFTA hay không mà chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Việt Nam phải làm gì để cho cộng đồng DN và nền kinh tế được thụ hưởng, khai thác tốt nhất và có hiệu quả cao nhất những cơ hội, thuận lợi từ EVFTA?

 Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG

Để làm được những điều này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, tổ chức chính trị trong cả nước vào cuộc từ rất sớm, ngay từ quá trình chúng ta triển khai hoạt động đàm phán, sau đó là ký kết và bây giờ là phê chuẩn hiệp định. Bộ Công Thương đã dự thảo các nội dung chính chương trình hành động của Chính phủ để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA. Kế hoạch này sẽ sớm được Chính phủ ban hành. Trong đó, nhiệm vụ lớn của kế hoạch là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực…

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về EVFTA. Việc tuyên truyền, phổ biến này sẽ hướng tới cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng DN, người dân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, nhóm đối tượng chiếm 97% tổng số DN của Việt Nam. Bộ Công Thương cũng tổ chức các buổi làm việc và chương trình phối hợp với các bộ, ngành, như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để chuẩn bị ngay kế hoạch thực hiện các nội dung chương trình hành động. Như vậy, đối với việc thực thi EVFTA, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và vào cuộc một cách đồng bộ, toàn diện, kịp thời của Chính phủ, các cơ quan, địa phương và có sự tham gia của cộng đồng DN cũng như người dân.

PV: Theo Bộ trưởng, DN Việt Nam cần thay đổi những gì để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi phải nhấn mạnh lại, EU là thị trường vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Trước hết, đây là khu vực kinh tế với tổng GDP lên tới 18.000 tỷ USD; EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu (NK) đứng thứ hai thế giới, mỗi năm EU đã NK gần 2.400 tỷ USD hàng hóa các loại. Tuy nhiên, Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng kim ngạch NK của EU. Điều đó cho thấy, cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này còn rất lớn. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, DN Việt Nam có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cắt giảm thuế quan và đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu sang thị trường này. Nhưng điều đó không có nghĩa là DN Việt Nam có ngay mọi thứ trong “bàn tiệc”.

Thị trường EU là thị trường có những yêu cầu rất khắt khe và đòi hỏi cao về chất lượng kỹ thuật. Rõ ràng Chính phủ đã vào cuộc, hướng dẫn, hỗ trợ nhưng DN phải hiểu đúng điều kiện mới, luật chơi của khu vực này. Vì vậy, bản thân DN phải chủ động tích cực hơn nữa trong cuộc chơi chung. Trên cơ sở nền tảng luật pháp và khuôn khổ hội nhập Chính phủ đã tạo ra, các DN cần nhanh chóng tiếp cận các chương trình phổ biến kiến thức pháp luật, phổ biến về các FTA; cùng với đó cần nghiên cứu sâu hơn về chiến lược phát triển và thâm nhập thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tổ chức lại các hoạt động sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc cho đến nâng cao năng lực quản trị, trình độ nguồn nhân lực…

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

VŨ DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chuan-bi-tich-cuc-de-khai-thac-loi-ich-tu-evfta-622936