Chuẩn bị tốt các điều kiện để trồng cây, trồng rừng vụ Xuân
Thời điểm này, các ngành, các địa phương, đơn vị và người dân trong tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về đất đai, vật tư, cây giống… sẵn sàng cho Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần và trồng rừng vụ Xuân đảm bảo thiết thực, hiệu quả, vì một Ninh Bình ngày càng xanh hơn.
Khu vực 2 xã Sơn Lai, Sơn Hà (huyện Nho Quan) là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp. Hiện các vườn ươm tại đây đã chuẩn bị một khối lượng lớn cây giống với đủ các chủng loại để phục vụ nhu cầu trồng cây xanh, trồng rừng vụ Xuân 2022.
Bà Đinh Thị Nhu, chủ vườn ươm Ninh Nhu (thôn Đồi Thờ, xã Sơn Lai) chia sẻ: Vụ này, trên diện tích 2 ha, gia đình tôi gieo ươm trên 50 vạn cây giống các loại với cơ cấu, chất lượng đa dạng, nhiều nhất là đào, bạch đàn, keo, lát, xoan, lim, sao đen, bùi, mỡ, xà cừ, vú sữa,… Kích cỡ từ nhỏ đến lớn, có những loại đường kính thân lên tới 15-20 cm. Về cơ bản sẽ đáp ứng đủ cho bà con trồng cây phân tán, trồng rừng vụ Xuân này.
Vườn ươm Ninh Nhu (thôn Đồi Thờ, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan) chuẩn bị cây giống phục vụ trồng cây, trồng rừng vụ Xuân năm 2022.
Chị Hà Thị Nguyệt Nga, chủ một vườn giống cây lâm nghiệp ở thôn Quỳnh Phong 3, xã Sơn Hà cho biết: Để có những cây giống chất lượng, cơ sở của tôi luôn chú trọng khâu chọn lựa hạt giống, cây giống mẹ ban đầu, đảm bảo thuần chủng, sạch bệnh.
Ngoài ra, khâu bô giống và chăm sóc cũng được thực hiện một cách cẩn thận, ban đầu phải tạo điều kiện nhiệt độ, độ ẩm ổn định để cây phát triển nhưng sau đó lại phải đưa ra ngoài môi trường tự nhiên để rèn luyện cho cây thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu. Khi đảm bảo các tiêu chuẩn mới cung cấp cho bà con trồng.
Cũng theo chị Nga, năm nay thời tiết khá thuận lợi, từ tháng 11/2021 đến nay ít xuất hiện sương muối, nhiệt độ ổn định nên cây non sinh trưởng phát triển khá tốt. Hiện, trên 80% lượng cây giống trong vườn đạt kích cỡ đủ điều kiện để đưa ra đất rừng.
Năm nay, Nho Quan đang phấn đấu được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, do vậy công tác chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, đặc biệt là trồng cây xanh được địa phương này đặc biệt chú trọng.
Ông Bùi Xuân Lực, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nho Quan cho biết: Năm 2021, toàn huyện đã trồng nuôi dưỡng làm giàu được gần 100 ha rừng phòng hộ, kết quả trồng cây xanh cũng vượt kế hoạch đề ra với con số 266.059 cây (đạt 126,7%).
Năm 2022, Nho Quan tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn với việc trồng 200 ha rừng sau khai thác, rừng sản xuất; nuôi dưỡng làm giàu 50 rừng khác đồng thời trồng 330.000 cây xanh các loại. Hiện nay, huyện đã giao cho các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát toàn bộ quỹ đất hiện có tại địa phương mình, chú trọng khu vực hành lang đường giao thông, các khu công sở, trường học, trạm xá, bệnh viện và đất vườn nhà vườn hộ, từ đó thực hiện tốt khâu chuẩn bị hiện trường để trồng cây, trồng rừng vụ Xuân. Bên cạnh đó, rà soát các vườn ươm trên địa bàn, đảm bảo có đủ nguồn cây giống có chất lượng.
Theo kế hoạch, thực hiện trồng cây xanh năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu trồng gần 1,2 triệu cây các loại. Trong đó, thành phố Ninh Bình: 10 nghìn cây, thành phố Tam Điệp: 278 nghìn cây, các huyện: Hoa Lư 25 nghìn cây, Nho Quan 330 nghìn cây, Gia Viễn 221 nghìn cây, Yên Mô 230 nghìn cây, Yên Khánh 15 nghìn cây, Kim Sơn 90 nghìn cây. Ngoài ra, ở một số địa phương có đất rừng, sẽ tập trung trồng rừng sau khai thác, trồng rừng thay thế, nuôi dưỡng làm giàu rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng…
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian qua, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch về trồng cây, trồng rừng được giao, các địa phương đã rà soát hiện trạng quỹ đất trên địa bàn, để từ đó bố trí diện tích trồng cho phù hợp. Nhìn chung, hầu hết các địa điểm được chọn để phát động Tết trồng cây năm nay đều có không gian rộng, thoáng, trồng được nhiều cây và thuận lợi cho người dân tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ sau khi trồng.
Hiện các địa điểm đã được dọn thực bì và tiến hành cuốc hố, nguồn cây giống cũng được chuẩn bị đầy đủ. Về chuyên môn, Chi cục cũng cập nhật thường xuyên các loại cây trồng có giá trị kinh tế, các cây đa tác dụng để khuyến cáo người dân đưa vào trồng, sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở cung ứng dịch vụ giống lâm nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp.
Từ sự chuẩn bị chu đáo của các cấp, ngành liên quan, sự chung tay của toàn xã hội, chắc chắn kế hoạch trồng cây xanh Xuân Nhâm Dần, kế hoạch trồng rừng năm 2022 của tỉnh sẽ hoàn thành, giúp Ninh Bình trở nên xanh hơn, từ đó, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn.