Chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị

Từ năm học 2018-2019, Học viện Lục quân (HVLQ) được Ban Bí thư Trung ương giao quyền đào tạo và xác nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện, công tác chuẩn bị của học viện cơ bản hoàn tất, sẵn sàng đón học viên về tham dự khóa học đầu tiên.

Mặc dù đang trong thời gian nghỉ hè nhưng không khí làm việc tại HVLQ vẫn diễn ra khẩn trương. Đây không chỉ là nền nếp học viện lâu nay mà còn xuất phát từ một lý do đặc biệt. Theo Thiếu tướng Lê Quang Xuân, Chính ủy HVLQ, thực hiện Kết luận số 25-KL/TW của Ban Bí thư về việc giao quyền đào tạo và xác nhận trình độ cao cấp LLCT đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, của Tổng cục Chính trị; từ năm học 2018-2019, HVLQ sẽ thực hiện thêm nhiệm vụ đào tạo cao cấp LLCT cho cán bộ, sĩ quan quân đội. “Đây là nhiệm vụ quan trọng, là niềm vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là thử thách không nhỏ đối với học viện. Do đó, toàn học viện đang tranh thủ thời gian để hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, bảo đảm cho khóa học đầu tiên diễn ra đúng kế hoạch, đạt chất lượng cao nhất”, Thiếu tướng Lê Quang Xuân, khẳng định.

 Kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Lục quân.

Kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Lục quân.

Theo quy định, các đối tượng đào tạo cao cấp LLCT tại học viện gồm cán bộ, đảng viên trong quân đội đã có bằng đại học và tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp chương trình đào tạo cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn, chủ nhiệm binh chủng sư đoàn bộ binh, chủ nhiệm trinh sát, trưởng ban quân báo Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện… Cũng theo Thiếu tướng Lê Quang Xuân, để chất lượng đào tạo đạt kết quả tốt, ngày từ sau khi nhận được kế hoạch của cấp trên, học viện đã tích cực triển khai đồng bộ công tác chuẩn bị, gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, chuẩn bị giáo trình, giáo án, tài liệu phục vụ dạy và học.

Xác định đội ngũ giảng viên là nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo, Đảng ủy, Ban giám đốc và cơ quan chức năng của học viện ưu tiên, lựa chọn, bồi dưỡng những đồng chí giảng viên có năng lực chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm cao. Cụ thể, học viện sử dụng 43 giảng viên cơ hữu, 30 giảng viên kiêm nhiệm, trong đó có 19 phó giáo sư, 23 tiến sĩ, 31 thạc sĩ; đồng thời mời thêm nhiều giảng viên, chuyên gia đầu ngành có uy tín, kinh nghiệm của Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một số trường đại học và một số bộ, ngành có liên quan tham gia giảng dạy.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Sĩ Họa, Phó trưởng Khoa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Căn cứ chương trình đào tạo và nhiệm vụ được giao, lãnh đạo khoa đã giao nội dung cụ thể, thông qua giáo án, bài giảng, tổ chức hội thảo, tăng cường bồi dưỡng nội dung, phương pháp cho đội ngũ giảng viên. Nhiều nội dung vốn đã quen thuộc với giảng viên trong khoa, như: Triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị, dân tộc, tôn giáo… nhưng khi giảng dạy cho đối tượng đào tạo lý luận cao cấp, giảng viên phải xây dựng giáo án riêng, bổ sung, cập nhật nhiều nội dung mới phù hợp thực tiễn và mục tiêu, yêu cầu đào tạo”.

Căn cứ khung chương trình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và quyết định của Tổng cục Chính trị, HVLQ đã xây dựng hai chương trình đào tạo cao cấp LLCT cho đối tượng học 3 tháng và học 8 tháng với các khối kiến thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, các vấn đề khoa học, chính trị, lãnh đạo, quản lý. Cùng với đó là các chuyên đề bổ trợ, nghiên cứu thực tế và thi tốt nghiệp. Chương trình đào tạo được đánh giá khoa học, sát thực tế, bảo đảm trang bị cho học viên đủ kiến thức cần thiết để vận dụng vào hoạt động thực tiễn.

Từ năm học 2018-2019, cùng với lượng học viên đào tạo thường xuyên thì lượng học viên đào tạo cao cấp LLCT sẽ tạo áp lực lớn cho học viện về công tác bảo đảm, phục vụ. Để chủ động giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc và các cơ quan của học viện đã đẩy mạnh công tác đầu tư, mua sắm, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu ăn ở, học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, học viên. Đến nay, học viện đã có hệ thống giảng đường gồm 127 phòng học, 17 phòng học chuyên ngành được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại; 5 hội trường từ 250 đến 800 chỗ ngồi, một trung tâm điều hành huấn luyện bảo đảm việc điều hành, kiểm tra, quản lý công tác huấn luyện thông qua hệ thống camera; hai thư viện với hàng trăm nghìn đầu sách đã được số hóa. Hệ thống nhà ở cho học viên, khu thể thao, nhà ăn… khang trang, bảo đảm tốt nhu cầu học tập, ăn nghỉ của học viên.

Với sự vào cuộc tích cực, chu đáo của Đảng ủy, Ban giám đốc và các cơ quan, khoa, hệ… công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ đào tạo cao cấp LLCT của HVLQ đến nay cơ bản đã hoàn tất, hứa hẹn đạt chất lượng, kết quả cao nhất từ khóa học đầu tiên.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chuan-bi-tot-cho-nhiem-vu-dao-tao-cao-cap-ly-luan-chinh-tri-548649