Chuẩn bị tốt cho Vụ Đông Xuân 2022-2023

Đông Xuân là vụ sản xuất được bà con nông dân gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất trong năm. Tuy vậy, vụ sản xuất tới đây lại được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, nếu không quyết liệt trong tổ chức, chỉ đạo sản xuất cũng như có những giải pháp linh hoạt, phù hợp của ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Nông dân xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan gieo mạ vụ Đông Xuân có che phủ nilon đảm bảo đúng thời vụ và kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi của thời tiết.

Nông dân xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan gieo mạ vụ Đông Xuân có che phủ nilon đảm bảo đúng thời vụ và kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi của thời tiết.

Nhiều khó khăn

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Ninh Bình, vụ Đông Xuân 2022-2023, tình hình thời tiết sẽ có những diễn biến rất phức tạp. Dự báo, từ cuối tháng 12/2022 đến tháng 2/2023 có thể có nhiều đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến mạ Xuân sớm vào cuối tháng 12/2022, Xuân muộn vào cuối tháng 1/2023 và lúa mới cấy. Bên cạnh đó, rét đậm có kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại nặng. Song song với bất lợi về mặt thời tiết, thì nguồn nước cho sản xuất vụ này cũng rất căng thẳng. Được biết, do ảnh hưởng của tình trạng biến động lòng dẫn, mực nước sông Hồng trong các đợt điều tiết nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ hàng năm liên tục bị hạ thấp.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có văn bản thông báo về việc xả - lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân năm 2022- 2023, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Theo EVN, các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng hiện chỉ đang ở mức trữ thấp và Nhà máy thủy điện Hòa Bình dự kiến thực hiện thay thế thiết bị định kỳ, bắt buộc nên trong các đợt xả nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 sẽ chỉ vận hành được tối đa 7/8 tổ máy, dẫn đến nguồn nước bổ sung cho hạ du bị thiếu hụt so với các năm trước đây. Đặc biệt, năm nay Tập đoàn điều chỉnh chỉ có 2 đợt lấy nước, thay vì 3 đợt như mọi năm.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khó khăn khác, như: Giá cả vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu...) vẫn đang "neo" ở mức cao, trong khi, giá các loại nông sản không tăng hoặc tăng không đáng kể, có thể dẫn đến tình trạng một số người dân giảm đầu tư vào sản xuất, thậm chí bỏ vụ. Xu hướng chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đang làm thiếu hút trầm trọng lao động trẻ, khỏe trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó là mối lo về lúa cỏ, năm ngoái, diện tích lúa cỏ gây hại lên tới hàng nghìn ha nhưng không ít địa phương, HTX vẫn còn lơ là trong việc xử lý, khiến dịch hại này càng có nguy cơ lây lan và gây hại mạnh hơn trong vụ sản xuất tới đây, đe dọa đến năng suất, chất lượng cây trồng. Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cũng dự báo, vụ Đông Xuân 2022 - 2023, các sinh vật gây hại sẽ diễn biến phức tạp, nhất là chuột, bệnh đạo ôn, lúa cỏ trên cây lúa; sâu keo mùa thu trên cây ngô; bệnh lở cổ rễ trên cây lạc... sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Không chủ quan với diễn biến phức tạp của thời tiết

Xuất phát từ những khó khăn, thách thức nói trên, Sở Nông nghiệp & PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp để cùng với các địa phương chỉ đạo thực hiện thắng lợi vụ sản xuất lớn nhất trong năm này. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: Đối với sản xuất nông nghiệp không được chủ quan.

Dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn có thể xảy ra hoặc không xảy ra, có thể theo hướng tích cực hoặc tiêu cực hơn cho sản xuất. Tuy nhiên, việc chỉ đạo sản xuất phải luôn trên tinh thần chủ động nhất, lựa chọn phương án an toàn nhất có thể.

Năm 2023, tiết Đại hàn vào ngày 21/1/2023 tức ngày 30/12/2022 âm lịch. Đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm, rét hại cao nhất trong năm; tiết lập Xuân vào ngày 4/2/2023, tức ngày 14/1/2023 âm lịch, sau Tết Nguyên đán. Do vậy, Chi cục xác định, trừ 5% trà Xuân sớm (cấy trên diện tích ngoài đê, chân ruộng trũng) phải cấy xong trước 15/1, thì vụ này, các địa phương nên tổ chức xuống giống tập trung vào khoảng thời gian từ ngày 5/2 đến 20/2/2023. Như vậy, có thể "né" các đợt rét đậm, rét hại, cũng như đảm bảo cho cây lúa sẽ trỗ bông vào giai đoạn thời tiết thuận lợi xung quanh tiết lập hạ.

Bên cạnh việc xây dựng khung lịch thời vụ gieo cấy hợp lý, các địa phương đặc biệt chú ý đến khâu làm đất. Lấy phương châm làm đất kỹ là biện pháp canh tác quan trọng trong việc phòng trừ lúa lẫn, cỏ dại, lúa cỏ và các đối tượng sâu bệnh hại. Cần triển khai làm đất ngay sau khi thu hoạch lúa Mùa, cây vụ Đông. Diện tích làm ải phải tranh thủ cày sớm để ải nỏ, diện tích làm dầm cần giữ nước và cày bừa sớm ngâm cho dầm ngấu, đảm bảo "ruộng chờ mạ".

Để ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang khẩn trương bảo dưỡng, tu sửa máy móc; phối hợp với các HTX nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa... sẵn sàng lấy nước theo lịch xả nước của EVN, đảm bảo lấy đủ nước và sử dụng nước có hiệu quả, tiết kiệm.

Ngành Nông nghiệp khuyến khích các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích cấy lúa và áp dụng biện pháp gieo mạ khay, cấy máy, cũng như sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; sử dụng các giống có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh; thực hiện canh tác lúa cải tiến SRI, quản lý cây trồng tổng hợp ICM, quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được Ngành đặc biệt quan tâm.

Trong đó, hỗ trợ các địa phương, các HTX xây dựng mối liên kết bền vững từ cung ứng vật tư nông nghiệp - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, để góp phần hình thành nên các chuỗi giá trị nông sản, giúp nâng cao thu nhập cho người dân... Nếu làm tốt các vấn đề nêu trên thì vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023 được kỳ vọng sẽ thắng lợi toàn diện.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuan-bi-tot-cho-vu-dong-xuan-2022-2023/d20221205074546469.htm