Chuẩn bị tốt để đón đầu

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ nguồn vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất... của các ngân hàng là nguồn tiếp sức rất lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Nhìn thấu những bất lợi các doanh nghiệp phải đối mặt, ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thực hiện chỉ thị này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/ 2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, nhiều ngân hàng thương mại sẵn sàng chia sẻ để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh việc cơ cấu lại các khoản nợ với số tiền lên đến cả chục nghìn tỷ đồng, các ngân hàng còn đăng ký cung ứng tổng số vốn 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung 0,5%-1% dành cho doanh nghiệp. Và thực tế, các ngân hàng đã cho 47.000 khách hàng vay gần 80.000 tỷ đồng (30% gói tín dụng).

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của ngân hàng còn chưa đến được với không ít doanh nghiệp. Một bộ phận doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do thiếu nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn... Hay nói cách khác, có vay được tiền, cũng khó mở rộng được sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp có ý định vay vốn lại vấp phải những ràng buộc, điều kiện từ phía ngân hàng như phương án kinh doanh hiệu quả, tài sản thế chấp...

Thực tế cho thấy có sự bất cập khi ngân hàng không thiếu tiền cho vay, nhưng thiếu kênh vay; còn doanh nghiệp đang rất cần sự trợ giúp, nhưng sức hấp thụ kém nên chưa dám mạo hiểm vay dù lãi suất rất hấp dẫn. Với tình cảnh đó, việc hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh rất có ý nghĩa lúc này.

Theo đó, các cấp, các ngành tiếp tục bám sát diễn biến của dịch, dự báo sát thực tiễn để khuyến cáo doanh nghiệp ứng phó kịp thời. Đồng thời có giải pháp tiếp tục cụ thể hóa những yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp có mối quan hệ khăng khít, "đôi bên cùng có lợi". Xét về khía cạnh nào đó, việc ngân hàng “cứu” doanh nghiệp trong lúc này cũng là chính là tự cứu mình. Thông điệp hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng trong thời gian qua đã nhanh chóng biến thành những hành động rất thiết thực, từ việc cơ cấu lại các khoản nợ đến hỗ trợ tín dụng. Song, những thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19 với doanh nghiệp sẽ còn lâu dài. Do đó, những chính sách hỗ trợ này rất cần được thay đổi linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch.

Ngành Ngân hàng cần sớm gặp gỡ, đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay. Các ngân hàng thương mại xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ đúng chủ thể, không cào bằng và có chọn lọc. Đặc biệt, cần quan tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi là đối tượng chiếm số lượng lớn, “sức khỏe” lại yếu khó có khả năng chống chọi với khủng hoảng lớn.

Đến thời điểm này, ngành Ngân hàng vẫn khẳng định hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh sau khi dịch Covid-19 lắng xuống. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động đánh giá tình hình, tìm hướng đi phù hợp, tận dụng hiệu quả sự hỗ trợ này...

Sau dịch bệnh, nền kinh tế sẽ phát triển bật lên như chiếc lò xo bị nén lâu ngày. Vậy nên, ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực hỗ trợ nhau chuẩn bị tốt để đón đầu thời điểm đó, sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/964086/chuan-bi-tot-de-don-dau