Chuẩn bị tốt nguồn thực phẩm phục vụ dịp cuối năm
Các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang tích cực tái đàn gia súc, gia cầm, chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Dù giá gia cầm đang ở mức thấp so với thời điểm vài tháng trước, nhưng để “đón” thị trường Tết, gia đình chị Ngô Thị Dung ở thôn Hợp Thịnh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái vẫn chủ động tăng đàn gà lên gấp đôi so với những tháng đầu năm, với quy mô hơn 3.000 con/lứa. Gia đình chị nuôi chủ yếu là gà ri và gà ta lai để đáp ứng nhu cầu của những người ưa chuộng giống gà có trọng lượng vừa phải, mà thịt vẫn đảm bảo thơm ngon.
Cùng với tăng đàn, gia đình chị Dung cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi và vệ sinh chuồng trại thường xuyên, nhằm đảm bảo đàn gà tăng trưởng nhanh, sản phẩm chất lượng, kịp thời phục vụ thị trường Tết. “Bình thường tôi nuôi khoảng hơn 1.000 con, nhưng dịp Tết sẽ nuôi khoảng 3.000 con/lứa. Dịp Tết và cuối năm cỗ bàn nhiều, nhu cầu thực phẩm tăng nên tôi nuôi nhiều hơn”, chị Dung chia sẻ.
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Hưng ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên cũng gắn bó với nghề chăn nuôi từ nhiều năm nay. Thời điểm này, gia đình đang nuôi trên 5.000 con gà Mông. Đây là giống gà đặc sản, dễ tiêu thụ, hiện giá bán khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg, hi vọng thời điểm cận Tết, giá gà sẽ còn tăng. “Gia đình đã chuẩn bị cho dịp Tết một lượng gà tương đối. Thời điểm này là thời điểm chăm sóc giai đoạn giao mùa, làm sao đảm bảo có gà tốt nhất để dịp Tết Nguyên đán đến tay người tiêu dùng”, anh Hưng nói.
Cùng ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, do lo sợ dịch bệnh và khó khăn về đầu ra, nên gia đình anh Ngô Tiến Dũng hàng chục năm qua vẫn thường chỉ nuôi quy mô dưới 20 con lợn. Tuy nhiên năm nay, nhận thấy giá thức ăn chăn nuôi đã “hạ nhiệt” và giá gia súc duy trì ổn định, anh Dũng đã quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng để cải tạo lại toàn bộ chuồng trại, nâng quy mô chăn nuôi lên 50 con lợn thịt và 5 con lợn nái.
Anh Dũng nhận định, hiện nay, nguồn cung gia súc cho thị trường đang thiếu, sẽ là thời điểm lý tưởng để các hộ chăn nuôi lợn duy trì và mở rộng sản xuất. “Hiện tại giá lợn vẫn còn thấp, nhưng hi vọng càng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, thị trường sẽ chạy hàng hơn và giá tăng cho người chăn nuôi có thêm thu nhập”, anh Dũng cho biết.
Thời điểm này, thời tiết ở Yên Bái và các địa phương Tây Bắc diễn biến thất thường, dễ gây dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đồng hành cùng người chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã phối hợp với chính quyền địa phương cử cán bộ xuống từng hộ dân để nắm bắt tình hình, tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh cho người dân …
Ông Ninh Trần Phương, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, Chi cục cũng đã phối hợp với cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát dịch bệnh, hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tăng cường công tác kiểm dịch, vận chuyển, kiểm soát giết mổ... Phối hợp với các lực lượng chức năng để đảm bảo nguồn cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.
Hiện, tổng đàn gia súc của tỉnh Yên Bái có trên 800.000 con, đàn gia cầm trên 7 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10 tháng đạt gần 70.000 tấn. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh tăng từ 5% - 10%, không chỉ cung ứng đủ cho thị trường trong tỉnh, mà còn đáp ứng nhu cầu của các địa phương lân cận.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chuan-bi-tot-nguon-thuc-pham-phuc-vu-dip-cuoi-nam-post1060811.vov