Chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi vào lớp 10 công lập Hà Nội
Chỉ còn 1 tuần nữa, hơn 100.000 thí sinh của Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Sức ép của kỳ thi này đòi hỏi thí sinh phải có sự chuẩn bị kỹ mới có thể đạt được nguyện vọng.
Đẩy mạnh phân luồng, giảm áp lực thi lớp 10
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, năm học 2023-2024 Hà Nội dự kiến tuyển vào lớp 10 các trường THPT khoảng 102.000 học sinh trên tổng số hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, khoảng 72.000 học sinh sẽ được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập, chiếm 55,7% tổng số học sinh đăng ký dự tuyển, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023. Cùng với đó, Hà Nội dành chỉ tiêu khoảng 30.000 học sinh vào lớp 10 trường công lập tự chủ và tư thục.
Tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học sinh. Tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 học sinh. Đối với phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập không chuyên ở Hà Nội năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung cho tất cả các trường công lập với 3 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Các trường tư thục, trường công lập tự chủ tài chính, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuyển học sinh toàn thành phố không phân biệt khu vực tuyển sinh như các trường công lập.
Về phương thức xét tuyển, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xét tuyển bằng học bạ cấp THCS. Với các trường công lập tự chủ tài chính và trường tư thục, Hội đồng tuyển sinh nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh căn cứ vào điểm xét tuyển của học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên; kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS (ghi trong học bạ của học sinh).
Nhằm giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, bên cạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, Hà Nội chú trọng vào công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn thành phố. Riêng ở cấp THPT, trong 5 năm gần đây Hà Nội đã xây mới thêm 10 trường công lập. Thời gian tới, Hà Nội đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng để cải tạo và xây thêm nhiều trường học... Sở GD-ĐT Hà Nội cũng tham mưu với thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm từ 3 - 5 vạn dân có 1 trường THPT.
Làm gì để đạt điểm tuyệt đối?
Trong kỳ thi chung vào lớp 10 của Hà Nội, bài thi môn Toán và Ngữ văn sẽ được ra đề theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút. Có nhiều mã đề trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề. Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Trong đó, đề thi môn Toán và Ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng.
Thông tin về cách ra đề thi lớp 10 năm nay, ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội không đưa vào đề thi những nội dung kiến thức đã tinh giản, cũng không có nội dung nằm ngoài kiến thức học sinh đã học. Học sinh hoàn toàn yên tâm học tập theo sự hướng dẫn của giáo viên.
Để giúp sĩ tử đạt được điểm cao trong bài thi môn Văn, cô Nguyễn Thị Thu Trang - Hệ thống giáo dục Hocmai lưu ý, thí sinh tránh mất điểm không đáng có ở những lỗi thường gặp như: Không xác định đúng dạng đề nghị luận xã hội/nghị luận văn học; lỗi trình bày diễn đạt (trình bày chưa đúng bố cục bài văn/đoạn văn, sắp xếp ý lộn xộn, triển khai luận điểm thiếu mạch lạc, chặt chẽ, diễn đạt lặp ý, lan man, dài dòng không đúng trọng tâm, diễn đạt văn nói); lỗi kiến thức như sai kiến thức cơ bản về tác phẩm; nhầm lẫn kiến thức (tên tác giả, hoàn cảnh sáng tác, thể loại, phương thức biểu đạt…); chưa phân biệt đúng các khái niệm (ẩn dụ và hoán dụ, các kiểu câu…); lỗi dùng từ như dùng từ không phù hợp về sắc thái ý nghĩa; sai chính tả, thiếu dấu, thiếu nét (câu chuyện); viết sai do đọc chệch âm/vần (lãng mạn - lãng mạng/trách nhiệm - trách nghiệm…); dùng từ chưa trau chuốt, lặp từ, bí từ; lỗi sử dụng dẫn chứng như thiếu dẫn chứng cụ thể, đưa chung chung, không tiêu biểu, không thuyết phục cho luận điểm, dẫn chứng chủ quan hoặc cảm tính.
Để đạt mục tiêu 9 điểm, 8,5 điểm, 8 điểm, cô Thu Trang lưu ý học sinh cần chắt chiu từng 0,25 điểm bằng cách: Khi trả lời những câu hỏi đọc hiểu nhỏ, trả lời rõ ràng bằng câu văn đủ chủ ngữ - vị ngữ, bám sát yêu cầu câu hỏi để trả lời; tìm ý/luận điểm trước khi viết đoạn văn; hoàn thành được hết các câu hỏi đọc hiểu và tạo lập đoạn văn hiệu quả; nâng cao kỹ năng đọc hiểu và kiến thức xã hội. Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập hiệu quả giai đoạn nước rút, cô Thu Trang cho rằng thí sinh nên tổng hợp theo sơ đồ tư duy, học theo đặc trưng thể loại; rèn kỹ năng làm đề thi mỗi ngày; hệ thống hóa lại kiến thức và đặc biệt cần chú ý giữ gìn sức khỏe và tâm lý thi vững vàng, tin vào bản thân.
Đối với môn Toán, thầy Nguyễn Mạnh Cường - Hệ thống giáo dục Hocmai cho biết, để đạt mức 7,5 - 8 điểm môn Toán không khó. Tuy nhiên để đạt được điểm trọn vẹn, thí sinh cần tập trung trong tính toán cũng như vẽ hình để không bị lỗi tính sai hoặc vẽ hình sai đáng tiếc. Việc đặt điều kiện cho các ẩn, đối chiếu điều kiện khi tìm được ẩn cũng là những lỗi đáng tiếc mà các em hay mắc phải, nên hãy làm chắc chắn từng bước, cứ có ẩn số là phải có điều kiện đi kèm ngay. Ngoài ra, việc trình bày cũng rất quan trọng, các em cần trình bày đủ bước, không làm tắt hoặc bỏ qua các chú thích khi dùng định lý, tính chất, và không bỏ qua kết luận, trả lời câu hỏi.
Với mục tiêu trên 8 - 9 điểm để có thể vào các trường như Lê Quý Đôn, Yên Hòa, Thăng Long… các em cần làm tốt phần cơ bản, và còn thời gian để chinh phục ý cuối bài 1, bài 3. Những ý này đòi hỏi các em tích cực tính toán, suy luận và đối chiếu các điều kiện sau khi tìm được biến số hoặc tham số. Muốn đạt mức trên 9 điểm để đỗ vào các trường như Chu Văn An, Kim Liên… các em cần giải quyết ý cuối bài 4 và bài 5. Đây là những bài đòi hỏi khả năng tư duy sâu sắc, quá trình ôn luyện phải rất kỹ càng. Chú ý bài 4 thường đi theo cấu trúc ý trên gợi ý cho ý dưới, nên các em hãy vận dụng những gì đã chứng minh được để suy luận, giải quyết ý cuối của đề bài.
Lịch thi và thời gian tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội
Với hơn 105.000 thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 trên toàn thành phố, kỳ thi của Hà Nội diễn ra cụ thể như sau:
Sáng 10-6, thí sinh thi môn Ngữ văn (từ 8h - 10h). Chiều 10-6, thí sinh thi môn Ngoại ngữ (từ 14h - 15h).
Sáng 11-6, thí sinh thi môn Toán (từ 8h - 10h).
Điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập được tính bằng tổng điểm bài thi môn Toán và điểm bài thi môn Ngữ văn (nhân hệ số 2) cộng điểm bài thi môn Ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Về thời gian tuyển sinh, học sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học vào trường theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp từ ngày 10 đến 12-7; nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT. Các trường THPT tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu (nếu có) từ ngày 19 đến 22-7.