Chuẩn bị văn bản hướng dẫn phải 'từ sớm, từ xa'

Sau hơn 2 tháng kể từ khi Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương vẫn rất chậm trễ.

Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phục vụ Phiên họp thứ 38 cho biết, đến ngày 7.10, đã có 9/9 Nghị định, 1/1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 5/6 Thông tư của các bộ, ngành được ban hành hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành. Tuy nhiên, với các nội dung giao chính quyền địa phương quy định chi tiết, theo báo cáo ngày 4.9 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mới có 12/63 địa phương đã ban hành một số nội dung được giao.

Đối với Luật Nhà ở, đã có 3/3 Nghị định, 1/1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 1/3 Thông tư được ban hành và đến ngày 10.9 có 17/63 địa phương đã ban hành một số nội dung được giao. Đối với Luật Kinh doanh bất động sản đã có 2/2 Nghị định, 1/2 Thông tư được ban hành.

Còn theo thông tin cập nhật tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai 3 luật vừa diễn ra, đến ngày 7.10 đã có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024. Tuy nhiên, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện. Trong 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản, chỉ có Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật. Các địa phương còn lại nội dung ban hành chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa hợp thửa…. Về Luật Nhà ở, mới có 13/63 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết.

Vẫn biết các địa phương chịu áp lực lớn về mặt thời gian và độ khó của các vấn đề, song việc không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai 3 luật quan trọng này, nhất là Luật Đất đai năm 2024, do có nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương. Hiệp hội Môi giới bất động sản mới đây phản ánh rằng, một số địa phương không kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh giá đất khiến hàng nghìn hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sang nhượng, cấp chứng nhận bị “treo”, không được giải quyết thuế với lý do chờ bảng giá mới.

Tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội cho rằng, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa bảo đảm tiến độ đã “rõ rồi”; như vậy chính sách sẽ chậm đi vào cuộc sống và yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc này. Ngay sau đó, Thủ tướng đã có Công điện gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. Tại văn bản này, Thủ tướng đã phê bình các địa phương còn chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 và yêu cầu hoàn thành việc này trước ngày 15.10.2024. Và, bây giờ là lúc các địa phương buộc phải tập trung cao độ nguồn lực cho nhiệm vụ quan trọng này.

Trong thời gian tới, gần nhất là Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội khai mạc vào ngày 21.10, khối lượng công tác lập pháp là rất lớn với hàng chục luật được Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua. Từ bài học kinh nghiệm của 3 luật về đất đai, bất động sản, công tác chuẩn bị các văn bản hướng dẫn chi tiết ở cả cấp trung ương và địa phương cần phải được quan tâm và đầu tư thỏa đáng hơn nữa với tinh thần “từ sớm, từ xa” thay vì “bắc nước chờ gạo người”. Bởi lẽ, cho dù có luật hoặc luật có quy định nhưng không cụ thể, thiếu hướng dẫn thì cũng là luật “treo”, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cũng như hoạt động quản lý nhà nước vừa làm suy yếu quyền lực của luật pháp.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuan-bi-van-ban-huong-dan-phai-tu-som-tu-xa-post393014.html