Chuẩn hóa cho vay tiêu dùng
Thông tư quy định, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng (cho vay tiền mặt) đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
NHNN mới đây đã chính thức ban hành Thông tư 18/2019/NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Thay đổi đáng chú ý trong Thông tư 18 so với Dự thảo trước đó ngày 25/3/2019 là khái niệm “giải ngân trực tiếp cho khách hàng”, và một lộ trình giảm tỷ lệ dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ về mức 30% vào năm 2024.
Cụ thể, theo Thông tư, “giải ngân trực tiếp cho khách hàng là việc công ty tài chính giải ngân cho vay tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt hoặc thông qua việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, đảm bảo kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay theo quy định của pháp luật”.
Thông tư cũng quy định, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng (cho vay tiền mặt) đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Theo giải trình của Ban soạn thảo Thông tư, việc tách hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng (chủ yếu là các đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa, bán hàng trả góp...) và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay để giúp cho việc kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng. Vì theo Ban soạn thảo, thực trạng cho vay tiêu dùng của nhiều công ty tài chính tại Việt Nam khi giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay thường có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.
Trao đổi với một chuyên gia tài chính, vị này cho rằng, quy định này sẽ đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chia sẻ, bản thân một công ty tài chính phải nhìn nhận nghiêm túc khi xét duyệt hồ sơ cho vay của khách hàng là đã phải xác định được mức độ rủi ro rồi. Việc giải ngân trực tiếp hay gián tiếp không hoàn toàn là điểm cốt lõi, cơ bản là các công ty tài chính trước khi cho vay phải thẩm định được khả năng tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng. Quản trị rủi ro là gốc rễ của vấn đề mà các công ty tài chính cần đặc biệt quan tâm để xây dựng quy trình quản trị rủi ro phù hợp và hiệu quả”, vị này cho hay.
Bên cạnh đó, Thông tư 18 cũng hướng đến giảm dần tỷ trọng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ cho vay xuống mức 30%. Tuy vậy, quy định này chỉ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng. Lộ trình giảm tổng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với các công ty tài chính kéo dài trong khoảng thời gian 4 năm từ 2021 đến năm 2024. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021: 70%; từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2022: 60%; từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023: 50%; từ ngày 1/1/2024: 30%.
Lãnh đạo một công ty tài chính chia sẻ, với quy định được NHNN đặt ra tại Thông tư không hoàn toàn là “sức ép” với các công ty tài chính, vì nhà điều hành đã đặt ra một lộ trình tương đối hợp lý để các công ty tài chính có thời gian tái cấu trúc danh mục cho vay, không quá ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng, tác động của Thông tư này đối với hoạt động cho vay của các công ty tài chính có phần nhẹ nhàng hơn so với Dự thảo Thông tư trước đây, khi đã đưa ra một lộ trình chứ không chốt cứng ở mức 30% (như Dự thảo trước đó). Trên thị trường, ba ngân hàng niêm yết có công ty con/công ty liên kết là công ty tài chính tiêu dùng gồm VPBank (100% sở hữu tại FeCredit), HDBank (50% sở hữu tại HDSaison), MBBank (50% sở hữu tại MCredit). Thị phần của ba công ty tài chính này vào cuối quý II/2019 lần lượt là 55%, 17% và 7%.
Hiện tại, theo SSI cho biết, xét về cơ cấu danh mục cho vay, FeCredit vẫn là công ty chịu nhiều ảnh hưởng nhất, mặc dù tác động ở mức thấp hơn nhiều so với Dự thảo Thông tư. Khi FeCredit có cơ cấu cho vay tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt, so với các khoản khác như cho vay mua xe máy, cho vay điện máy, cho vay qua thẻ tín dụng. Tuy vậy, tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng hiện dưới 70%.
Do đó, “trong hai năm tới, tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của công ty này”, SSI nhận định. Song từ năm 2022 - 2024, FeCredit có thể sẽ phải hi sinh phần nào hệ số NIM để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn. Về phía HDSaison sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất do cơ cấu cho vay bao gồm cho vay tiền mặt 33%, xe máy 43%, điện máy 24%. Với MCredit, dù các khoản vay tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tương đối cao, nhưng do quy mô còn tương đối khiêm tốn nên việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm được nhận định không quá khó khăn.
Thông tư 18 cũng quy định các biện pháp liên quan đến việc thu hồi nợ, trong đó không cho phép biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Số lần nhắc nợ giữa công ty tài chính và bên vay tối đa không quá 5 lần/ngày.
Ngoài ra, hình thức và thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ 00 đến 21 giờ 00. Các công ty tài chính tiêu dùng không nhắc nợ, đòi nợ hoặc gửi thông tin về việc thu hồi nợ cho các tổ chức và cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, hoặc các trường hợp không thích đáng khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Và phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chuan-hoa-cho-vay-tieu-dung-95401.html