Chuẩn hóa quy trình thực hiện văn bản, nghị quyết của Trung ương

Đây là yêu cầu của đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Hội nghị tổng rà soát việc triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương từ năm 2011 đến nay diễn ra ngày 28/6. Đồng chí Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng tham dự.

Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì Hội nghị

Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể Đỗ Xuân Lân cho biết: Tổng số các văn bản, nghị quyết do Trung ương ban hành từ năm 2011 đến thời điểm kết thúc rà soát 30/4/2019 là 1.961 văn bản.

Qua rà soát, thống kê cho thấy, tuy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhưng Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản, nghị quyết của Trung ương; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và kịp thời các nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp…

Đồng tình với báo cáo, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Phan Thị Hồng Hà chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những tồn tại, hạn chế là do công tác phối hợp trong tham mưu, triển khai thực hiện các văn bản, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy cấp trên có lúc chưa tốt, thiếu nhịp nhàng.

Do đó, thời gian tới cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên để thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch; phân công đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng kết việc thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng…

Còn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn nhìn nhận, việc triển khai các văn bản, nghị quyết của Trung ương đôi khi còn lúng túng là do đầu mối phân công chưa rõ ràng, năng lực, kỹ năng cán bộ làm công tác này còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao.

Với một lượng lớn văn bản ở nhiều mức độ, cấp độ triển khai khác nhau, Bộ cần một đầu mối thống nhất để tham mưu, theo dõi tình hình triển khai, trong đó cần củng cố kiện toàn, nâng cao vai trò của Văn phòng Đảng – Đoàn thể đồng thời làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng đơn vị trong triển khai các công việc.

Đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh các chủ trương, chính sách của Đảng muốn đi vào cuộc sống thì cần được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế nên yêu cầu của Bộ đặt ra đối với các đơn vị, đảng viên, cán bộ, công chức là phải nắm sâu sắc tinh thần, vận dụng hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào thực hiện các công việc.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Thứ trưởng yêu cầu cần đổi mới nội dung, phương pháp quán triệt, phổ biến, truyền thông, đề cao trách nhiệm tự học tập, nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng của đội ngũ đảng viên.

Cùng với đó, cần ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ từng nhiệm vụ, có sản phẩm, thời hạn và lộ trình thực hiện và giao cho từng đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện; theo dõi, đôn đốc sát sao quá trình thực hiện.

Cơ bản nhất trí với báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ: Đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối mà các văn bản, nghị quyết là công cụ lãnh đạo nên đảng viên phải chấp hành tuyệt đối, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp giữ vai trò tham mưu về mặt thể chế nên mỗi đảng viên, cán bộ, công chức càng phải nắm được đầy đủ, sâu sắc nội dung các văn bản, nghị quyết để tham mưu cho đúng.

Với số lượng lớn các văn bản, nghị quyết do Trung ương ban hành, tính chất phức tạp, Bộ trưởng yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ, công chức của Bộ phải đề cao nhận thức, trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện, nhất phải chấn chỉnh và chuẩn hóa quy trình thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng.

Theo đó, cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, thường xuyên, liên tục của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy; đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị; phân công rõ đơn vị đầu mối để theo dõi thống nhất, đôn đốc nhắc nhở, báo cáo kịp thời để đảm bảo tất cả các văn bản được triển khai đầy đủ, trách nhiệm.

K.Quy

Loading...

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/chuan-hoa-quy-trinh-thuc-hien-van-ban-nghi-quyet-cua-trung-uong-459182.html