Chuẩn hóa xe đưa đón học sinh vừa dễ quản lý, vừa an toàn
Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định, từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm. Nghị định nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ dư luận. Bởi thực tế, nhu cầu xe đưa đón học sinh trên địa bàn Thủ đô rất lớn, vì vậy, việc chuẩn hóa dịch vụ này đang là yêu cầu cấp thiết.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm
Tại Hà Nội, công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối khi đưa đón học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của năm học. Bởi vậy, các trường tổ chức hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe bảo đảm chất lượng yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn...
Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ đầu năm học mới 2024 - 2025 đến nay, cơ quan này đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát được tổng số 95 trường học có ký hợp đồng với đơn vị vận tải để vận chuyển đưa, đón học sinh, tổng số 295 đơn vị kinh doanh vận tải với 1.505 phương tiện.
Qua kiểm tra, cơ bản các lái xe và phương tiện đều bảo đảm điều kiện tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; đơn vị vận tải có ký hợp đồng với các trường học theo quy định. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng cũng phát hiện và xử phạt không ít trường hợp phương tiện đưa đón học sinh vi phạm.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến trung học phổ thông) các tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Trong đó, cần ghi rõ trong hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải những yêu cầu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe. Trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống ô tô. Tuy nhiên, dịch vụ xe đưa đón học sinh vẫn hoàn toàn tự phát, chất lượng phụ thuộc vào sự quyết tâm thực hiện nghiêm túc của cơ sở giáo dục và sự giám sát của phụ huynh học sinh.
Để chấn chỉnh vi phạm tái diễn, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã yêu cầu các trường học không ký hợp đồng với đơn vị vận tải không đủ điều kiện; chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, lái xe không bảo đảm điều kiện. Cùng với đó, yêu cầu các nhà xe, lái xe tuyệt đối không chở quá tải, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu “xe hợp đồng” hoặc phù hiệu hết hạn; người lái không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển…
Thực tế, phương tiện đưa đón học sinh ngày càng trở thành loại hình vận tải hành khách thiết yếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Số lượng các xe đưa đón học sinh cũng tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng công tác quản lý còn khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Điều này đòi hỏi cần sớm chuẩn hóa dịch vụ này và có một mô hình xe buýt đưa đón học sinh an toàn, chuyên nghiệp để học sinh đến trường được thuận tiện và phụ huynh an tâm hơn.
Cấp thiết phải chuẩn hóa
Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Canada, New Zealand, Úc, Bỉ, Đức, Trung Quốc thì dịch vụ vận chuyển học sinh là loại hình có tiêu chuẩn khắt khe nhất, kể cả về mặt phương tiện, quy trình vận chuyển hoặc các yêu cầu về mặt lý lịch của những cá nhân làm việc trong loại dịch vụ này, cũng như yêu cầu về nghiệp vụ. Đây cũng là loại hình dịch vụ vận tải bị quản lý chặt chẽ nhất, nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì mức phạt với tổ chức là rất lớn và các cá nhân có liên quan cũng bị phạt, thậm chí có thể bị cấm hành nghề vĩnh viễn.
Tại Việt Nam, vấn đề chuẩn hóa xe đưa đón học sinh cũng đang được quan tâm. Minh chứng dễ thấy, Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe.
Ngoài ra, xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
Nhiều nghiên cứu và lịch sử phát triển của xe chở học sinh của các nước trên thế giới cho thấy, màu vàng đậm có tác động mạnh đến mắt của người nhìn, từ đó, tăng khả năng nhận diện xe ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như: sương mù, mưa, ban ngày hay trời tối. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp ngăn ngừa tai nạn dành cho xe chở học sinh.
Khách quan nhìn nhận, việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh là một trong những nhiệm vụ đặc biệt được quan tâm. Do đó, các đơn vị kinh doanh vận tải cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đồng thời phối hợp tốt với các trường học để có phương án đảm bảo giao thông.
Ngoài ra, xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
Nhiều nghiên cứu và lịch sử phát triển của xe chở học sinh của các nước trên thế giới cho thấy, màu vàng đậm có tác động mạnh đến mắt của người nhìn, từ đó, tăng khả năng nhận diện xe ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như: sương mù, mưa, ban ngày hay trời tối. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp ngăn ngừa tai nạn dành cho xe chở học sinh.
Khách quan nhìn nhận, việc đảm bảo an toàn cho các em học sinh là một trong những nhiệm vụ đặc biệt được quan tâm. Do đó, các đơn vị kinh doanh vận tải cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đồng thời phối hợp tốt với các trường học để có phương án đảm bảo giao thông.
Để chuẩn hóa mạnh mẽ hơn nữa việc đưa đón học sinh bằng phương tiện chuyên biệt, nhiều ý kiến cho rằng các ngành chức năng cần sớm nghiên cứu để triển khai mô hình thí điểm xe buýt chuyên dụng, đưa đón học sinh với luồng tuyến cố định… từ đó đáp ứng được nhu cầu của từng cụm trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quanh vấn đề này, chuyên gia giao thông, ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, với xe đưa đón học sinh thì cần quản lý chặt từ con người, hạ tầng và phương tiện. Theo đó, việc đầu tiên muốn quản lý tốt là cần hoạch định được những quy hoạch trong vấn đề tổ chức đưa đón học sinh ra sao, hạ tầng liên quan như thế nào, chứ không đơn thuần là đưa ra pháp luật vấn đề xử phạt. Với các phương tiện, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải có các định hướng tới doanh nghiệp để họ sản xuất ra ô tô đưa đón học sinh riêng. Trước mắt nếu chưa có phương tiện đặc trưng thì cần tận dụng các phương tiện sẵn có, hoàn thiện các hạng mục gắn trên đô tô đưa đón để đảm bảo an toàn.
Trong lúc chờ đợi Nghị định 151/2024/NĐ-CP từng bước đi vào cuộc sống, thiết nghĩ các đơn vị, cơ quan liên quan cần tuyển chọn đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ đủ tiêu chuẩn; tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết lập hệ thống thông báo cho phụ huynh về lịch trình, tình trạng xe thông qua ứng dụng di động hoặc tin nhắn; tổ chức các buổi tuyên truyền cho học sinh về ý thức tự bảo vệ, quy tắc khi sử dụng dịch vụ nhằm tạo thói quen tốt và bảo đảm an toàn khi sử dụng xe đưa đón học sinh.