Theo ghi nhận của phóng viên VTC News, khoảng 21h00 ngày 12/3, tại khu vực tiếp đón người dân đến làm mới và cấp lại thẻ căn cước công dân gắn chíp của Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vẫn còn hàng chục người đang chờ đến lượt khai báo và chụp ảnh. Khu vực tiếp nhận hồ sơ được bố trí hợp lý, đảm bảo các khâu được thực hiện thuận tiện. Người dân và các cán bộ, chiến sĩ đều chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Dù bảng thông báo tại khu vực cổng đơn vị ghi thời gian ngừng tiếp nhận hồ sơ là 22h30, thế nhưng để đảm bảo phục vụ người dân tốt nhất, nhanh nhất, không để tình trạng người dân đến đăng ký phải quay về nên chỉ huy công an quận đã chỉ đạo các đơn vị làm việc trên tinh thần “phục vụ đến người dân cuối cùng”. Chính vì vậy, những ngày qua, các cán bộ, chiến sĩ công an đều làm việc quá giờ, thậm chí làm việc liên tục đến tận 1-2h sáng hôm sau.
Do số lượng người dân tới đăng ký làm căn cước khá đông nên các cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị đều làm việc liên tục, không ngừng nghỉ.
Được biết, mỗi ngày Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Đống Đa tiếp nhận và làm thủ tục cho khoảng gần 1.000 công dân từ 7h30 đến 1, 2h sáng hôm sau.
Trả lời phóng viên VTC News, Thiếu tá Đào Mạnh Cường - Trưởng Công an phường Láng Hạ (Đống Đa) cho biết, thời gian làm căn cước cho người dân được chia thành 3 ca, bắt đầu từ 7h30 cho đến 22h30. Mỗi ca gồm 21 cán bộ, chiến sĩ phụ trách 3 máy ảnh và làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo theo đúng tiến độ được giao.
Người dân tại các phường trên địa bàn quận được gửi giấy mời theo giờ hẹn và theo từng tổ dân phố, tránh tình trạng quá tải, giảm thời gian chờ đợi cho người dân cũng như giúp lực lượng chức năng kiểm soát tình hình.
Bà Giáp Thị Kim Dung (Quận Đống Đa) cho biết, với những người đi làm như bà thì việc sắp xếp thời gian làm căn cước công dân gắn chip vào buổi tối là rất tiện lợi. "Tôi thấy giờ làm buổi tối rất tiện cho những người phải đi làm như chúng tôi, vừa tránh được việc xin nghỉ công việc ở cơ quan, cũng như buổi tối có thời gian ngồi chờ đợi cũng không bị mệt lắm", bà Dung chia sẻ.
Ngoài các địa điểm cấp căn cước công dân, đội cũng tổ chức việc rà soát, lên danh sách và tổ chức cấp căn cước công dân lưu động cho các trường hợp không thể tới địa điểm để đăng ký căn cước như người già và người khuyết tật trên địa bàn quận.
Đã qua nửa đêm nhưng tại phòng làm việc của đơn vị vẫn còn rất nhiều người dân chờ đến lượt làm thẻ căn cước công dân gắn chip.
Theo quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú thì được cấp thẻ căn cước công dân. Người bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì vẫn được cấp thẻ nhưng phải có người đại diện hợp pháp.
Người dân có thể đến Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú để thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chip.
Đối với trường hợp cấp lại thẻ căn cước công dân do bị mất hoặc cấp đổi thẻ căn cước công dân do thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; cấp đổi thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi thì người dân có thể đến bất kỳ Công an cấp tỉnh nào nơi thuận tiện nhất để làm thủ tục.
Căn cước công dân mẫu mới gắn chip điện tử có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin, tạo thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng. Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Chip không có chức năng định vị, theo dõi công dân.
Nhật Vũ - Bảo Linh