Chùm ảnh: Người dân Đà Nẵng phấn khích ngày đầu được tắm biển trở lại
Người dân Đà Nẵng dậy từ 4 giờ sáng, đem theo smartphone với QR Code để xuống biển trong ngày đầu thành phố nới lỏng nhiều hoạt động.
Từ 0 giờ ngày 30-9, Đà Nẵng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mới, nới lỏng nhiều hoạt động trong đó có việc cho phép người dân được phép tắm biển trong khoảng thời gian từ 4 giờ 30 đến không quá 6 giờ 30.
Ghi nhận của phóng viên, sáng 30-9, rất đông người dân tập trung về khu vực biển quận Sơn Trà để tắm biển, tập các môn thể dục ngoài trời.
Đặc biệt, BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng yêu cầu mọi người phải quét QR Code trước khi vào các khu giữ xe, sử dụng các dịch vụ ven biển để bảo đảm các quy định phòng chống dịch. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở người dân đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển, rời khỏi bãi biển ngay sau khi tắm xong và giữ khoảng cách tối thiểu 1m với người khác.
Chị Nguyễn Thị Tố Trang, trú đường Nguyễn Du (quận Hải Châu, Đà Nẵng), cho biết dù phải dậy sớm từ hơn 4 giờ sáng nhưng chị cùng chồng vẫn xuống biển để tập thể dục, tạo động lực cho ngày làm việc.
"Quét QR Code để kiểm soát người xuống biển là cách hay để phòng Covid-19, nhưng lực lượng chức năng phải mở rộng phạm vi quét hơn vì nhiều người tự do xuống biển mà không qua các khu giữ xe, bãi tắm" – chị Trang nhận xét.
Anh Nhân, nhân viên soát vé tại bãi tắm số 1 đường Phạm Văn Đồng, cho hay trong ngày đầu mở biển trở lại, nhiều người lớn tuổi vẫn chưa quen việc dùng smartphone có QR Code. Với những trường hợp này, lực lượng nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu phải có QR Code thì mới được gửi xe, xuống biển.
"Nhiều người cũng sợ đi tắm biển đem theo smartphone sẽ bị mất. Chúng tôi đã có khu vực gửi đồ để đảm bảo tài sản cho người dân" – nhân viên bãi tắm cho hay.
Bên cạnh việc sử dụng QR Code để xuống biển, Đà Nẵng yêu cầu người dân phải thường xuyên dùng QR Code khi đến các nơi đông người, tham gia các hoạt động: hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà; học tập; đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa nghệ thuật; tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đến các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, các hoạt động ra vào thành phố,…