Chùm ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng CHLB Đức
Chiều 13/11, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 14/11.
Theo chương trình, hai Thủ tướng cũng sẽ tham dự hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp Việt Nam và Đức.
Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.
Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 11,2 tỷ USD; 9 tháng đầu năm 2022 đạt 9,45 tỷ USD. Tính đến tháng 8/2022, Đức có 431 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,31 tỷ USD, đứng thứ 4/24 trong EU và thứ 18/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp hơn 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam.
Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là "Đối tác toàn cầu" trong Chiến lược Hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030) của Đức. Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề.
Dự án "hải đăng" của hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là Trường Đại học Việt Đức, được thành lập từ tháng 9/2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo mô hình của đại học Đức.
Dự án xây dựng trụ sở Trường Đại học Việt Đức tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với nguồn vốn vay trị giá khoảng 200 triệu USD của Ngân hàng Thế giới đã hoàn thành vào tháng 5/2021.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tháng 4/2020, Chính phủ Việt Nam đã trao tặng Chính phủ Đức 100.000 khẩu trang kháng khuẩn. Tiếp đó, nhiều cơ quan, tổ chức Việt Nam cũng đã trao tặng khẩu trang và trang thiết bị y tế cho các đối tác Đức.
Ở chiều ngược lại, trong năm 2021, Chính phủ Đức đã viện trợ cho Việt Nam hơn 10 triệu liều vaccine phòng COVID qua cơ chế song phương và COVAX cùng với 75 máy thở. Nhiều địa phương của Đức đã trao tặng hàng trăm ngàn kít xét nghiệm và trang thiết bị y tế cho Việt Nam.
Cộng đồng Việt Nam ở Đức hiện có gần 200.000 người, sinh sống rộng khắp trên toàn lãnh thổ Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định. Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao so với các cộng đồng nhập cư ở Đức./.