Chùm phượng hồng yêu dấu đã rời tay
Khi bình tĩnh, không trút bỏ sự tức giận vô cớ vào những cái cây, chúng ta mới trở thành 'tổng hòa của các mối quan hệ xã hội'. Mùa hè năm nay, có nhiều chùm phượng hồng đã đau đớn rời tay…
Chúng ta vẫn không thể quên gương mặt thất thần của thầy hiệu trưởng ngôi trường có cây phượng vĩ già nua bật gốc khiến nhiều em học sinh bị thương, một em học sinh bị thiệt mạng. Chúng ta cũng không thể quên hình ảnh những cây cổ thụ khác sau đó bị đốn hạ, để lại sân trường bỏng rát, trơ trụi nền bê tông vì không còn bóng cây xanh. Và có thể, đến một ngày, chúng ta sẽ cùng nhau tiếc nuối khi hát lên trong tâm tưởng câu thơ cũ - “chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay” (*) - ký ức mọng đỏ của một thời mà ai cũng ước, xin một vé về với tuổi thơ…
Tai nạn ngoài ý muốn tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) đúng thời điểm đầu hạ, khi loài cây biểu tượng của tuổi học trò bắt đầu bung nở. Loài cây làm thổn thức trái tim học trò biết bao thế hệ, vì một sự trùng hợp của một tai nạn không ai muốn, bỗng trở thành “tội đồ”. Thầy hiệu trưởng của ngôi trường ấy đã rất lương tâm và trách nhiệm khi khảng khái đứng lên nhận trách nhiệm.
Lời nhận lỗi ấy làm dịu nỗi đau của gia đình học sinh bị tai nạn, làm ấm lòng và tiếp thêm niềm tin, về một xã hội ngày càng hướng tới sự tròn vẹn về đạo đức và lương tri, không vòng vo, đổ lỗi.
Thảo mộc vô can
Cây phượng vĩ già nua, gốc sâu mục bị đổ, nó không có lỗi. Nó đã sống hết tuổi đời thảo mộc, đã đến lúc nhường chỗ, nhường không gian sống cho một loài cây khác. Thầy hiệu trưởng của ngôi trường nhận trách nhiệm về cá nhân, thầy không biết tiếng nói của loài cây – nếu như nó có tiếng nói, để có thể biết chính xác ngày giờ cây phượng vĩ kể trên rời bỏ chính nó, mang theo sự mất mát và đau đớn cho nhiều học trò.
Tôi nghĩ, sẽ không ai truy vấn một cái cây hết tuổi sống đến ngày gục đổ. Không ai truy vấn trách nhiệm của một người hiệu trưởng đứng đầu một ngôi trường về một tai nạn bất khả kháng, không thể biết trước. Nhưng, vụ tai nạn đó đã cảnh tỉnh và truyền lại nhiều thông điệp cho những người ở lại!
Một ngày sau vụ tai nạn, trường THCS Bạch Đằng đã chặt hạ nhiều cây cổ thụ khác trong khuôn viên. Nhiều ngôi trường khác đã chủ động chặt hạ những cây cổ thụ, để đề phòng tai nạn có thể xảy ra. Sự cẩn thận quá mức cho phép ấy vô tình đã tước bỏ quyền sống của những loài cây, mà bản thân nó không có tội. Vạn vật hữu linh, được hiện hữu trong đời sống, đều có giá trị của chính nó.
Nhìn sân trường ngổn ngang những xác cây bị đốn hạ, bởi một cơn giận vô cớ, bởi một sự lo lắng từ một cơn giận giữ có phần suy diễn…, rồi khi những xác cây được đưa đi, sẽ còn toen hoẻn, trơ khấc những gốc cây nhức nhối như những bia mộ, cùng nền bê tông bỏng gắt, vô hồn.
Chúng ta, loài người, đã nhân danh tự nhiên để trừng phạt những thứ mà tự chúng ta cho rằng nó chỉ là thứ trang trí trong cuộc sống.
Tôi không xót thương cho những đời thảo mộc đã bị chặt hạ chỉ vì nó thuận theo quy luật tự nhiên, sinh lão bệnh tử, nó đổ đúng về hướng mà các em học sinh đang ngồi chơi, khiến nhiều đứa trẻ của chúng ta bị thương, một cháu bé bị mất đi mạng sống. Tôi chỉ nói tới một điều, trong cơn nóng giận, chúng ta đã trút sự giận giữ vào những cái cây, và tước đi cuộc sống của những cái cây đó.
Năm 2015, Hà Nội di dời, thay thế 6.700 cây xanh. Năm 2019, Hà Nội chặt phá, thay thế một loạt cây phượng vĩ trên tuyến phố Xã Đàn, Kim Liên, Láng Hạ… Cả xã hội thời điểm đó như "lên đồng". Hàng ngàn bài báo đăng tải trên các tờ báo chính thống, trong đó tựu trung là sự bức xúc về việc tàn phá “lá phổi xanh”, sự nuối tiếc, hoài cổ về những con đường kỷ niệm, những “hàng lá me bay” đã từng đi vào thơ ca nhạc họa… Những đơn vị liên quan giải trình. Cơ quan chức năng vào cuộc. Nhiều cán bộ, cá nhân liên quan bị xử lý, chịu trách nhiệm…
Hối tiếc và dễ quên
Những ồn ào đó rồi cũng qua đi. Số đông chúng ta, dù nóng nảy, nhiệt tình, đôi khi thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm có phần quá đà, thì vẫn giống nhau về cơ bản là nhanh quên và dễ dàng tha thứ. Và, quan trọng nhất, ngay sau đó, Hà Nội lên phương án trồng cây thay thế cho những hàng cây bị đốn hạ vì lý do “sâu bệnh, ngoại lai, không phù hợp không gian đô thị”… Trong số những cây thay thế, vẫn có sự hiện hữu của phượng vĩ - loài cây thân gỗ, rễ cọc, tuổi thọ cao, thích nghi với môi trường và gần gũi với đời sống người dân Việt.
Khi cơn giận giữ về cây phượng vĩ của trường THCS Bạch Đằng qua đi, chắc chắn, người ta sẽ hối tiếc khi nhìn sân trường bê tông trơ khấc, không một bóng cây…
Thay vì chặt bỏ những cây cổ thụ trong sân trường, hãy tìm những phương án rào chống, gia cố những cây cổ thụ khác, chặt tỉa bớt những thân cành, buộc níu giữ các thân cây… để đảm bảo an toàn nhất cho chúng - việc mà trước mùa mưa bão nào các công ty cây xanh cũng thực hiện!
Làng tôi có một cây cổ thụ đứng vững chãi hàng trăm năm ở đầu làng, cũng là cây phượng vĩ. Nó không chỉ là biểu tượng, là cột mốc, là sự nhận biết… để người lạ về hỏi thăm đường vào làng, để những người con xa quê nhớ về làng có cây phượng vĩ. Nó còn là nhân chứng, là một phần của không gian làng xã. Gần 20 năm trước, trong một cơn bão to, sớm sau khi cả làng thức dậy, đã thấy cây phượng già gục đổ, bởi đã đến lúc nó phải ra đi…
Những người già trong làng, sau khi dọn dẹp xác cây mang đi, đã cẩn thận thắp một nén nhang giã từ “người bạn cây” hàng trăm năm chung sống với họ!
Vạn vật hữu linh. Khi chúng ta bình tĩnh, không trút bỏ sự tức giận vô cớ vào những cái cây, chúng ta mới trở thành “tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”.
Mùa hè năm nay, có nhiều chùm phượng hồng đã đau đớn rời tay…
Di Linh
(*): Câu thơ trong bài thơ "Chiếc lá đầu tiên" của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm