Chùm tản văn mới của Nguyễn Ngọc Tư

Cuộc sống không đơn giản vậy, có tầng tầng lớp lớp bên dưới những bề mặt. Phải tự tin lắm, đến mức ảo tưởng, mới dám nhận mình thấu suốt những khối đời sống hỗn mang đa chiều.

Bỏ đi

Bạn nói giờ bạn đã dễ tính hơn xưa. Chơi với nhau thấy không hợp nữa, bạn bỏ đi. Không gay gắt, chẳng thèm tranh cãi, và thứ ứng xử trẻ con nhất là hờn giận, cũng không. Đơn giản chỉ là bỏ đi, trong im lặng.

Nhưng bạn không nghĩ ra hoặc biết quá rõ, đó mới là cách kết thúc độc địa nhất. Thứ bạn để lại cho họ, là vực thẳm ngập những dấu chấm hỏi. Một khoảng trống vô tận cho những ước đoán, giả dụ. Họ bị chìm tới đáy (nếu như có đáy, nhưng tôi ngờ là không) nếu chẳng may để lòng yêu quý bạn. Những người hời hợt nhất, và ít trân trọng bạn nhất, may mắn thoát khỏi đó.

Không phải tự dưng mà nhiều nhà văn, nhà biên kịch hay lặn vào trong những cái vực đầy mảnh vỡ ấy, tìm kiếm vài ba mảnh sắc nhọn nhất, mang về tạo tác lại. Như mài giũa, khui miệng những vết thương, cho công chúng nhìn thấy cùng lúc nỗi đau và vẻ đẹp của nỗi đau.

Thứ mà cái chết không sánh được, chết quá đơn giản.

Minh họa: Kim Duẩn

Bên dưới những bề mặt

Trong lúc tìm lý do tại sao mình lại ám ảnh câu chuyện người đàn bà Nam Xương học mãi hồi con nít, tôi kịp viết ra vài truyện ngắn cất vào tệp “không thành”(*). Cố vỡ ra những bi kịch gia đình xuất phát từ mắt nhìn của đứa trẻ, cố thoát ra khỏi đó bằng cách lặp lại mình, lặp lại một câu chuyện dân gian cổ xưa.

Đứa bé của chuyện dân gian ấy cũng thực thà như những đứa trẻ của tôi. Nói đúng như những gì chúng nhìn, nghe thấy, và chạm tay vào. Và người ta gọi đó là sự thật, thứ sự thật được khích lệ, như họ vẫn bảo nhau, “đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Nhưng sự thật của trẻ con chỉ là sự thật của một bề mặt, một tiết diện. Cuộc sống không đơn giản vậy, có tầng tầng lớp lớp bên dưới những bề mặt. Phải tự tin lắm, đến mức ảo tưởng, mới dám nhận mình thấu suốt những khối đời sống hỗn mang đa chiều.

Sự thật, ừ có, nhưng là sự thật nào?

Bỗng tôi ngờ rằng mình ám ảnh chuyện người đàn bà tìm đến đáy sông để giải nỗi oan, không phải vì đồng cảm với thân phận chị, mà tôi sợ mình là đứa trẻ nhận bóng làm cha. Bất hạnh cho văn chương, khi nhiều câu chuyện được viết hời hợt trên những bề mặt, và nhà văn ung dung nghĩ cuộc đời chỉ vậy.

Một truyện ngắn không thành

Người ta tìm anh làm chứng cho vụ cháy khuya rồi. Một cửa hàng vải đã thành tro lúc giữa đêm. Thủ phạm là nhóm vô gia cư gồm một người đàn bà khô như củi, một đứa trẻ đang tập đi và con chó già, suốt tháng qua vạ vật trước cửa hàng. Người đàn bà đã bật lửa nấu cháo, để lửa bén vào tấm thảm chùi chân trước khi cái lưỡi gian xảo của nó luồn qua cửa sắt, liếm láp vải vóc đầy nhóc bên trong. Ở đồn cảnh sát, chị ta dập đầu vào tường tới tươm máu, nói đó chỉ là lỗi vô tình.

Anh không nhìn thấy lúc lửa đâm ngọn. Nhưng anh có thể kể một cách chi tiết mấy lần lời qua tiếng lại giữa chủ cửa hàng với nhóm người vạ vật hàng hiên nhà mình, mới bữa trước. Luôn đợi người ta đóng cửa mới kéo tới ngủ, và rời đi lúc hừng đông, nhưng sáng ra luôn để lại dấu vết. Mấy bãi nước đái trẻ con và chó, những cọng mì tôm khô quắt lại, mớ rác vụn, vệt dầu ăn. Sinh chuyện ở chỗ đó. Chủ nhà càng đuổi, họ càng trơ mặt ở lì. Khó tìm được một chỗ có mái che rộng, lại sẵn vòi nước để tắm giặt. Tiếng lại lời qua, chuyện thường xảy ra bên kia đường, ngang với nơi anh ngồi trông chừng xe cho khách.

“Hết thảy ở đây, là sự thật”, anh nói lúc ký tên vào lời khai, thoáng nghe người đàn bà kia, bị trói lơi ở góc phòng, hát u ơ cho con ngủ. Có thể đứa nhỏ sẽ được đưa vào trại mồ côi, trong lúc bà mẹ thụ án. Và con chó, nó sẽ chết nay mai thôi, ở cái tuổi chậm lụt, nó không cách nào tìm miếng ăn như những con chó hoang khỏe mạnh khác. Anh nghĩ vậy, lúc bước ngang qua cái gia đình sắp phân mảnh đó, bước ra khỏi đồn cảnh sát, vươn vai sảng khoái, nhìn lên trời.

Anh tin Sự thật chọn mình làm sứ đồ vào năm anh mười một tuổi. Thằng nhỏ ấy nửa đêm vạch cửa sổ ra đái xuống ngọn chanh tàn tạ vì hứng chịu nước tiểu con nít đêm đêm, đã nhìn thấy một cái bóng tuôn ra từ cửa sổ phòng mẹ mình. Vai khuỳnh lưng gấu, thuần thạo chuyền trên nhánh me de gần đó, và ngay sau chạm đất còn ngó lại căn phòng. Anh kể với cha những gì mình nhìn thấy khi sáng lại, ông từ biển trở về. Mẹ anh nói có thể là trộm thôi bằng cái giọng vô vọng, bởi chính mẹ cũng không thể chứng minh được. Nhà không mất gì, không có sự xáo trộn nào.

Sau hôm ấy anh không còn sống với mẹ nữa. Thỉnh thoảng, anh đi ngang xe nước mía mẹ đặt trước nhà lồng chợ. Mẹ lấy chồng, một người đàn ông lòng khòng, và đẻ hai đứa con gái gầy tong. Năm ngoái, lúc hấp hối bên nhà mẹ có nhắn anh ghé qua, nhưng anh từ chối. Anh sợ mình mủi lòng trước giây phút cuối đời của mẹ, phải xác nhận lại tình huống đêm trăng đó, gã nọ chỉ là một tên trộm và không hề có chuyện gã nhìn lại căn phòng mẹ, huýt sáo.

“Mình sẽ phản bội sự thật”, anh nghĩ vậy, và nán chờ tới lúc bên nhà mẹ báo tang. Nhìn cái thân hình mỏng còm của một người bị ung thư phổi đã nằm gọn trong áo quan, tự dưng anh nhớ ba mình từng quăng quật mẹ như một gối gòn, cơ thể đó còn nhẹ hơn tiếng gầm của người đàn ông miền biển,“chẳng có ai ăn trộm mà đi huýt sáo”. Anh cũng nhớ ánh mắt mẹ ngó anh khi bà gượng dựng dậy thân xác tả tơi khi ấy, và cả sau này.

“Mình đâu có làm gì sai, mình chỉ kể đúng bon những gì đã thấy”, ý nghĩ đó mạnh đến nỗi anh thấy mình chẳng cần làm gì, chỉ đi theo lời thì thầm của nó, ánh sáng của nó, là đã đúng đường.

Anh là người được chọn, rõ ràng. Là dấu chấm chắc nịch kết thúc những hoài nghi, lưỡng lự, những khả năng bị bỏ ngỏ. Chuyện người đàn ông đêm trăng là một thử thách, anh đã vượt qua và không phải tự dưng mà suốt về sau anh luôn gặp chuyện khiến mình phải đứng ra làm nhân chứng. Bạn học té lầu sau cuộc nô giỡn, anh không ngần ngại chạy thẳng lên phòng giám hiệu nói đó không phải là tai nạn, “giữa giờ các bạn cự cãi ở sân cầu”.

Chỉ riêng chuyện đó, anh không biết xếp vào dạng lớn hay nhỏ. Anh nghĩ làm chứng bà hàng xóm trộm gà, hay chiếc xe bò lấn đường gây tai nạn, là những chuyện lặt vặt không đáng kể. Hoặc vì chúng xảy ra thường xuyên quá, nên anh thấy thường. Nhưng có những chuyện động trời đến chính anh cũng ngợp, như hồi làm sai vặt ở đoàn kịch, một người đã giãy chết ngay trên sân khấu bởi viên đạn thật bạn diễn bắn vào. Gã diễn viên dập đầu kêu oan, rằng lỗi của hậu đài, rằng gã không bao giờ mất nhân tính tới mức đó. Gương mặt tuyệt vọng đầy nước mắt một diễn viên hạng A, đã chẳng thể nào ngăn nổi lời khai của anh với điều tra viên. Gã với nạn nhân đều si mê cô diễn viên trẻ mới nhập đoàn, anh đã vô tình chứng kiến họ dọa lấy thẹo mặt nhau vào cái ngày phát hiện ra mình không phải là tình nhân duy nhất.

Nhưng vụ té lầu hồi trung học, tưởng chuyện con nít, lại không giống. Đứa bạn cùng bàn đã xuất viện vào tuần sau, với cái chân bó bột. Thằng mà anh tin rằng đã ra tay đẩy bạn bị đuổi học ba ngày, và nó không bao giờ trở lại trường. Nó đã nhảy sông tránh đòn đánh của cha dượng, người ta tìm thấy nó mắc trong một miệng đáy gần biển.

Anh thi thoảng nằm mơ thấy thằng bạn trung học yểu mệnh đó. Một giấc mơ khó chịu, vòm miệng trống hoác với cái lưỡi bị tôm cá rỉa sạch, bạn ngó anh như uống như nuốt vào ánh nhìn hỗn độn. Tan nát, oán hờn, kêu cứu, bao dung, thù nghịch hoặc tất cả những thứ tình cảm trên đời, chúng dồn vào trong mắt. Ánh nhìn sao chép lại ánh nhìn của mẹ anh, và cùng nhiều người khác. Nó khiến anh bực bội trong chiêm bao.

Cảm giác bực mình còn lảng vảng cả khi anh tỉnh giấc, khiến anh có chút thẹn với Sự thật. Không phải ai cũng được chọn. Giấc mơ đó không biết khơi ngọn từ đâu. Tuyệt đối chẳng bao giờ anh để lệch một nhịp tim khi nghĩ về quá khứ, cả cái lần gặp gã diễn viên xưa, giờ thành một ông chủ có tiếng trong giới nhà đất.

“Nhờ ông mà tôi được bảy năm rưỡi ăn cơm tù”, gã nói, và ném chìa khóa ra một quãng, để anh hí húi cúi lượm, đưa xe đi qua bãi giữ. Nhưng anh bình thản làm công việc cần làm của một bảo vệ quán ăn, đường hoàng trở lại trao chìa khóa xe cho chủ nó, kèm theo một nụ cười niềm nở.

Anh chẳng chút mặc cảm công việc của mình, và cả đời sống cô độc sau một vài mối nhân duyên lỡ dở. Anh còn tưởng mình phải chịu khổ hạnh nhiều hơn, bi thương hơn nữa, một người nhặt rác, vô gia cư, mắc bịnh hiểm nghèo. Cho nên chút thiệt thòi này còn quá ít trong cuộc đời của một kẻ mang sứ mệnh.

Nguyễn Ngọc Tư

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chum-tan-van-moi-cua-nguyen-ngoc-tu-25169.html