Chứng chán ăn phá hủy đời sống tình dục
Không chỉ ảnh hưởng nhiều mặt trong cuộc sống, chứng bệnh còn khiến Chloe Faulkner (Mỹ) gặp nhiều khó khăn trong đời sống hôn nhân.
Tôi đã sống với chứng chán ăn tâm thần, một loại rối loạn ăn uống, từ khi 12 tuổi và dành phần lớn thời niên thiếu để ra vào phòng khám cho tới năm 17 tuổi. Mọi thứ khá hơn từ đó cho tới 4 năm tiếp theo. Sau khi tiếp tục điều trị, tôi phát bệnh lần cuối vào tuổi 26. Người chồng tội nghiệp của tôi đã chứng kiến tất cả.
Chứng chán ăn đã lấy đi rất nhiều thứ của tôi: trí nhớ, sự trao đổi chất, các kỳ kinh nguyệt và kinh khủng nhất là cả ham muốn tình dục. Mọi thứ diễn ra trong quãng thời gian tôi phát bệnh, hồi phục, rồi lại lặp lại ở độ tuổi 20. Giờ ở tuổi 30, sau 3 năm hồi phục tích cực, tôi đang dần lấy lại cảm giác yêu với bạn đời.
Trong một thời gian dài, tôi đã nghĩ rằng bản thân cô độc trong vấn đề này. Tôi không bao giờ nói về những vấn đề tình dục mình gặp phải hay những tổn thương liên quan, thậm chí không bao giờ thảo luận quá sâu với bác sĩ trị liệu. Khi đó, đơn giản là vì tôi không ưu tiên giải quyết các vấn đề tình dục.
Cho đến khi tôi nói chuyện với những người khác về hoàn cảnh của mình, tôi mới biết rằng tình dục và việc tự cảm nhận ngoại hình cơ thể có mối liên hệ sâu sắc.
Giải quyết
Để hiểu hơn về những người phụ nữ bị rối loạn chức năng tình dục đi cùng chứng rối loạn ăn uống, tôi liên hệ với một người bạn cũ từ phòng khám trước đây. Chúng tôi gặp nhau lần đầu vào năm 2019, khi cùng tham gia một buổi trị liệu nhóm và tiếp tục gặp nhau sáng thứ tư hàng tuần trong suốt một năm.
Chúng tôi cùng nhau chia sẻ về vấn đề tình dục, điều trước đây chưa từng bàn luận. Người bạn kể với tôi về tình huống của bản thân, về việc thiếu vắng tình dục đã khiến cuộc hôn nhân cô ấy tan vỡ như thế nào.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mối quan hệ của cô ấy và chồng cũ được hàn gắn khi thường xuyên trò chuyện qua điện thoại về những chú cún cưng. Trong một lần, cả hai nhắc tới tình dục - lần đầu tiên sau 5 năm. Hóa ra người chồng cũ không biết chuyện gì đã xảy ra. Anh cho rằng bản thân mới là vấn đề hoặc bạn tôi đã hết yêu. Nhưng thật ra trong suốt thời gian đó, cô ấy chỉ là không có ham muốn tình dục với bất cứ ai.
Làm sao có thể cảm nhận và toát ra sự quyến rũ khi nỗi xấu hổ vì cơ thể, sự tự ti về bản thân còn quá lớn? Làm sao chúng ta có thể mong đợi các hormone phản ứng theo ý muốn khi bản thân mình còn đang sống dở chết dở?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng tình dục, bao gồm mất cân bằng nội tiết tố, suy dinh dưỡng, các mối đe dọa sức khỏe tinh thần tiềm ẩn, kèm theo rối loạn hình dung về cơ thể và tự đánh giá thấp bản thân. Chúng là triệu chứng của ảnh hưởng tâm sinh lý sâu xa mà chứng rối loạn ăn uống gây ra.
Tôi và chồng ở bên nhau từ năm tôi 19 tuổi. Anh ấy đã chứng kiến giai đoạn sức khỏe tinh thần và ham muốn tình dục của tôi ở cả trạng thái tốt nhất và tệ nhất.
Trong vài năm qua, cả hai đã nghiên cứu cách làm thế nào để khắc phục các vấn đề. Mặc dù tình dục không phải là điều kiện cần thiết để duy trì một mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh, nhưng đó là điều mà chúng tôi muốn cùng nhau tận hưởng.
Tình dục không phải là tất cả, cũng không phải đích đến cuối cùng của một mối quan hệ. Song việc khao khát được thân mật với người mình yêu là điều rất tự nhiên. Nhưng đối phó với chứng rối loạn ăn uống như chán ăn có thể khiến các hành động đụng chạm và quan hệ tình dục trở nên khó chịu vì nhiều lý do.
Đừng ngại tâm sự với nửa kia về vấn đề này và hãy sử dụng các biện pháp y tế nếu cần thiết. Trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ luôn bài xích việc thảo luận các vấn đề xoay quanh tình dục. Tôi muốn phá vỡ lối nghĩ kỳ thị đó và lấy lại niềm vui tình dục của mình.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-chan-an-pha-huy-doi-song-tinh-duc-post1410845.html