Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp siêu tốc của Đại học Vinh sản xuất như thế nào?
GDVN- Liên Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những đánh giá nghiêm túc về sự cần thiết cũng như hiệu quả của các loại giấy phép con 'hành' giáo viên.
Công nghệ sản xuất chứng chỉ chức danh nghề nghiệp siêu tốc
7 giờ 30 sáng, ngày 1/8/2020, chị L.T.H, giáo viên tại Thanh Hóa, bụng bầu khệ nệ có mặt tại Trung tâm ngoại ngữ Đông Nam Á (sau đây sẽ gọi là Trung tâm).
Trung tâm này có địa chỉ tại tầng 3, tòa nhà 168, đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Trong căn phòng áng chừng đủ chỗ ngồi cho 50 học viên, hầu hết các giáo viên khi đó đều chia sẻ với chị H: Chị ở xa thế sao không nhờ trung tâm hỗ trợ bao đỗ, không nhất thiết phải ra Hà Nội để học 1 buổi cho vất vả.
8 giờ, các học viên bắt đầu ổn định chỗ ngồi chuẩn bị điểm danh. Đây là buổi học kết thúc lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ngày hôm đó tại Trung tâm tổ chức cho các đối tượng: giáo viên mầm non hạng 2, 3; giáo viên tiểu học hạng 2,3 và giáo viên trung học Phổ thông hạng 2.
Thâm nhập lò sản xuất chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên nộp tiền là có!
8 giờ 15 phút, nhân viên của Trung tâm vào dặn dò các học viên. Trong đó, họ nhấn mạnh yêu cầu khắt khe về việc điểm danh và không quên nhắc lại:
Mặc dù Trung tâm đã tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các thầy cô chỉ học 1-2 buổi tuy nhiên các thầy cô cũng phải có mặt để điểm danh hoặc ký tên nếu không sẽ không có chứng chỉ.
Tại thời điểm đó trong danh sách lớp học niêm yết có 52 học viên nhưng thực chất sĩ số lớp vắng quá nửa.
8 giờ 30 phút, Tiến sĩ H.A.T., giảng viên trường Đại học Vinh bắt đầu điểm danh. Lớp học nhao nhao xin thầy cho về sớm hoặc cắt ngắn chương trình học xuống gói gọn trong 1 ngày để hỗ trợ các thí sinh ở xa.
Giảng viên này giải thích cặn kẽ: “Tôi nói nhỏ ở đây, mọi người có thấy mức học phí của trung tâm đắt hay không?
Nếu theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp phải học tất cả 240 tiết tương đương với 6 tuần, mỗi tuần 5 buổi.
Thế nhưng hiện nay đang có sự nhập nhèm của hình thức học E-Learning nên chúng ta có thể lách luật được.
Tức là giao cho mọi người học ở nhà, chỉ có 2 buổi đến để kết thúc chương trình thôi. Như vậy học phí là đắt hay rẻ?
Đối với đội ngũ giáo viên tới đây mà theo luật mới là phải học đủ 240 tiết chứ không có chuyện được hỗ trợ đâu”.
Thầy T. vừa ngắt lời, một học viên xin phép ra ngoài để gặp nhân viên của trung tâm.
Lúc đó học viên này mới hoàn thiện và nộp hồ sơ mặc dù theo danh sách, tên của học viên đã có trong danh sách lớp từ trước. Và như thầy T. cũng vừa nói ở trên là giáo viên đã học E-Learning tại nhà và 2 buổi đến Trung tâm chỉ là để kết thúc môn học.
Như vậy thực chất là học viên đến buổi học hôm đó đều không học hành gì cả.
9 giờ 30, một số học viên xin phép giảng viên ra ngoài để…in bài thu hoạch. Bài thu hoạch được Trung tâm gửi qua hòm thư điện tử cho học viên từ trước khi diễn ra buổi học.
Bằng chứng là chị L.T.H đã in sẵn bài thu hoạch và chỉ đến để nộp bài cho Trung tâm.
Đó là toàn bộ những gì diễn ra trong những lò sản xuất chứng chỉ chức danh nghề nghiệp siêu tốc dành cho giáo viên.
Những câu chuyện này, Giáo dục Việt Nam đã được nhiều giáo viên phản ánh trong thời gian qua. Nhưng chỉ đến khi thâm nhập thực tế vào một quy trình hoàn thiện cấp chứng chỉ siêu tốc kiểu trên, phóng viên mới thấy tường tận những bất cập của loại chứng chỉ này.
Với chất lượng của những lớp học kiểu vậy – không cần học, không ôn thi, không đi thực tế mà vẫn có chứng chỉ.
Câu hỏi là loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có thật sự cần thiết với giáo viên hay không? Hay nó tạo điều kiện để nảy sinh những vấn đề tham nhũng, tiêu cực – học giả, bằng thật.
Không cần học vẫn có chứng chỉ - khác nào mua bán bằng cấp
Hiện nay, nhu cầu sử dụng các loại chứng chỉ bao gồm: chứng chỉ tin học, chứng chỉ tiếng Anh và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên vô cùng lớn.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, các trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm tuyển sinh …liên kết với các trường đại học có đủ thẩm quyền cấp các loại chứng chỉ trên liên tục mở các lớp chiêu sinh học viên.
Thủ tục làm hồ sơ nhanh gọn, thời gian học bị rút ngắn đáng kể, được "bao đỗ", "chống trượt"; vì thế những lớp học kiểu này thu hút rất nhiều giáo viên tham gia.
Tại Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á, liên tiếp thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, Trung tâm liên kết với Trường Đại học Vinh tổ chức các lớp kết thúc khóa học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Khi gọi điện đến Trung tâm, tư vấn viên nhiệt tình giới thiệu các gói "chống trượt", gói "bao đỗ". Cuộc hội thoại được ghi lại như sau:
Phóng viên: Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của trung tâm bên chị là do đơn vị nào cấp?
Tư vấn viên C.T.T: Bên trung tâm đang liên kết với 2 đơn vị là Trường Đại học Giáo dục và trường Đại học Vinh. Cả 2 loại chứng chỉ này đều dùng được.Chứng chỉ của trường Đại học Giáo dục thì thời gian học lâu hơn và cũng khó hơn, còn trường Đại học Vinh em chỉ cần học 2 buổi thứ 7, chủ nhật sau đó làm một bài thu hoạch là khoảng 2 tuần đến 1 tháng sẽ có chứng chỉ.
Phóng viên:Em sợ rằng đi học thì không biết gì mà học, có cách nào không cần học mà vẫn có chứng chỉ không?
Tư vấn viên C.T.T: Đối với những bạn ở xa thì bên chị sẽ có hỗ trợ bao đậu, chống trượt. Nếu em lên được thì sẽ có tài liệu cho em chép còn nếu không lên được thì nói trước với bên chị. Bên chị sẽ thuê sinh viên đi học hộ và chép bài cho. Bản thân chị cũng phải học và làm bài hộ cho nhiều bạn ấy chứ.
Phóng viên: Chi phí bao đỗ và thuê người học như thế nào chị?
Hai Bộ trưởng xin hãy giữ lời hứa, nói giúp giáo viên một tiếng!
Tư vấn viên C.T.T: Em tham khảo các trung tâm khác, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có giá khoảng 2.5 triệu đồng. Nếu em không đi học được thì em thêm cho chị 300.000 đồng bao gồm tiền thuê sinh viên đi học, thuê sinh viên chép bài và tiền chuyển phát về tận nhà. Chi phí cũng không đắt đâu vì nó là giá chung.
Phóng viên: Mình làm như này liệu có sợ phát hiện không chị?
Tư vấn viên C.T.T: Không lo đâu em! Bây giờ yêu cầu chung là như thế thì trước sau cũng phải làm. Đối với những giáo viên ở xa bọn chị phải hỗ trợ như thế chứ không làm sao người ta ra ngoài này được. Em làm là muộn đấy các trường họ làm xong hết rồi.
Phóng viên: Em muốn đăng ký học cho cả vợ em nhưng cô ấy đang bầu bí sợ không lên Hà Nội để học được, có cách nào hỗ trợ không chị?
Tư vấn viên C.T.T: Em cứ nộp hồ sơ cả 2 vợ chồng em. Sau đó đến ngày học em có thể lên ký thay giúp vợ mình cũng được.
Có mặt tại buổi học ngày 1/8/2020, một nhân viên khác của Trung tâm cho biết:
Tiếng kêu giáo viên đã đến hội trường Diên Hồng, Bộ Giáo dục có biết?
“Đây là vấn đề tế nhị, Trung tâm đã tạo điều kiện hết mức cho các thầy cô rồi. Các thầy cô được rút ngắn chương trình học xuống còn 1-2 buổi. Như vậy là tạo điều kiện hết mức.
Đối với giáo viên ở xa, Trung tâm cũng đã gửi trước bài thu hoạch cho thầy cô. Thì sau buổi học mọi người in và nộp lại cho giảng viên. Việc học này không khó, nếu các thầy cô muốn về sớm hay xin nghỉ buổi chủ nhật thì có thể đề xuất với giảng viên xem như thế nào”.