Chứng chỉ IELTS được nhiều trường đại học lựa chọn để tuyển sinh
IELTS là đầu vào được nhiều trường đại học lựa chọn để tuyển sinh.
Chứng chỉ IELTS cũng là nấc thang để nhiều thí sinh du học. Chính vì vậy,nhiều học sinh đã "cày" chứng chỉ IELTS bằng mọi giá, khiến các cơ sở cấp chứng chỉ IELTS ngày càng "hot".
Thực tế cho thấy rất nhiều trường đại học lớn đưa ra tiêu chí chứng chỉ IELTS để tuyển sinh. Chẳng hạn, Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) ưu tiên xét tuyển thẳng chương trình Đại học bằng Tiếng Anh cho thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc tương đương 5.0 còn thời hạn tính đến ngày xét tuyển theo quy định.
Học viện Cảnh sát Nhân dân thực hiện đề án xét tuyển kết hợp kết quả học tập bậc THPT và các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế sau: IELTS Academic, TOEFL iBT, chứng chỉ HSK.
Học viện Nông Nghiệp Việt Nam tuyển thẳng bậc đại học đối với thí sinh có học lực khá trong ít nhất 1 năm tại bậc THPT và chứng chỉ IELTS đạt từ 4.0 trở lên, chứng chỉ còn thời hạn tính đến ngày xét tuyển.
Học viện Ngân hàng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS với mức điểm tối thiểu là 6.0 cho tất cả các ngành đào tạo. Phương thức này chiếm 10% trên tổng chỉ tiêu.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố sẽ nhận hồ sơ ưu tiên xét tuyển đặc cách cho thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên do hội đồng thi có thẩm quyền cấp, chứng chỉ còn thời hạn tính đến ngày đăng ký xét tuyển.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông quy định, thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 5.5 trở lên (chứng chỉ còn thời hạn tính đến ngày xét tuyển), có kết quả điểm trung bình học tập 5 học kỳ đầu tiên của bậc THPT từ 7.5 điểm và xếp loại hạnh kiểm Khá – Tốt được ưu tiên xét tuyển đại học bằng IELTS.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), các chứng chỉ ngoại ngữ được trường áp dụng trong xét tuyển đại học bao gồm: A – Level, SAT, ACT, TOEFL iBT và IELTS. Trong đó, thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt tối thiểu 5.5, tổng điểm thi Tốt nghiệp THPT của 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt ít nhất 12 điểm được ưu tiên xét tuyển đại học bằng IELTS.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đối với các ngành thuộc khối Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý, thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 5.0 trở lên và điểm trung bình chung kết quả học tập của 3 năm học THPT từ 8.0 trở lên được ưu tiên xét tuyển thẳng đại học.
Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) ưu tiên xét tuyển đa dạng các chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó đối với IELTS, thí sinh cần đạt ít nhất 6.0. Một số chứng chỉ quốc tế tương đương khác bao gồm: SAT 1100/1600, Chứng chỉ A - Level, Chứng chỉ ACT từ 22 điểm trở lên
Trường Đại học Y dược TP.HCM, đối với các ngành Y Khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học và Điều dưỡng, trường xét tuyển dựa trên điểm thi của thí sinh kết hợp với chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên, còn thời hạn tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Học viện Tài chính, thí sinh đăng ký xét tuyển vào khối ngành Ngôn ngữ Anh hoặc ngành Kinh tế của Học viện có chứng chỉ IELTS tối thiểu 5,5, SAT 1050/1600 hoặc 1650/2400, TOEFL iBT đạt ít nhất 55 điểm và có học lực giỏi năm lớp 12 được ưu tiên xét tuyển.
Trường Đại học Mỏ - Địa chất, chỉ với IELTS 4.5 cùng với tổng điểm hai môn trong tổ hợp đăng ký thi THPT từ 10 điểm trở lên (trong đó không bao gồm môn Tiếng Anh và Toán là môn bắt buộc), thí sinh đã đủ điều kiện nộp hồ sơ tuyển thẳng đại học bằng IELTS. Tuy nhiên, phương thức này chỉ chiếm dưới 5% trên tổng chỉ tiêu xét tuyển.
Học viện Chính sách và Phát triển những năm gần đây đã đưa IELTS vào trong đề án xét tuyển thẳng. Trong đó, thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 4.5 trở lên (hoặc các loại chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) và điểm trung bình học tập năm 12 >7.0 đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Trường Đại học FPT nổi tiếng là một trong số những ngôi trường Đại học bắt kịp mô hình giảng dạy chuẩn quốc tế nhanh chóng nhất, Đại học FPT ưu tiên xét tuyển thẳng cho thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt tối thiểu 6.0, chứng chỉ còn thời hạn tính đến ngày nộp hồ sơ
Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ IELTS và điểm thi THPTQG. Cụ thể như sau: Thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển thẳng cần có chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.0, còn thời hạn đến ngày xét tuyển và có tổng điểm 2 môn thi THPTQG trong tổ hợp đã đăng ký đạt từ 12 điểm trở lên (trong đó không bao gồm môn Ngoại Ngữ và Toán là môn bắt buộc).
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 và điểm trung bình các môn học của từng học kỳ trong suốt 3 năm THPT đạt từ 7.0 trở lên được ưu tiên xét tuyển thẳng vào trường bằng chứng chỉ IELTS. Ngoài ra, trường cũng có bảng quy đổi điểm như sau: IELTS 5.5 tương đương 8 điểm, IELTS 6.0 tương đương 9 điểm, IELTS 6.5 - 9.0 tương đương 10 điểm
Đại học Quốc gia Hà Nội khi sử dụng chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên còn thời hạn, kết hợp với tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm, thí sinh không những được ưu tiên tuyển thẳng đại học bằng IELTS mà còn có cơ hội nhận được nhiều suất học bổng. Tổng giá trị học bổng áp dụng cho phương thức tuyển thẳng lên đến hơn 7 tỷ đồng.
Cụ thể, để có cơ hội nhận được học bổng dành cho ứng viên xuất sắc trúng tuyển vào Khoa Quốc Tế, thí sinh cần đạt chứng chỉ IELTS từ 6.5 điểm trở lên.
Trường Đại học Phenikaa trong đề án tuyển sinh của mình, trường ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5, tổng điểm trung bình các môn trong tổ hợp xét tuyển của năm lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 trên 22.5 điểm.
Trường Đại học Ngoại Thương (FTU) thuộc top các trường đại học đào tạo khối ngành Kinh tế hàng đầu Việt Nam, trong những năm gần đây, trường ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 6.5 trở lên, chứng chỉ còn thời hạn tính đến ngày xét tuyển.
Trường ĐH Dược Hà Nội cũng là một trong những trường đại học xét bằng IELTS, trường ưu tiên cộng điểm khuyến khích cho các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 5.5 trở lên.
Cụ thể, IELTS 5.5 được cộng 0,25 điểm, IELTS 6.0 được cộng 0,5 điểm, IELTS 6.5 được cộng 0,75 điểm, IELTS 7.0 được cộng 1 điểm, IELTS 7.5 được cộng 1,25 điểm, IELTS 8.0 được cộng 1,5 điểm, IELTS 8.5 được cộng 1,75 điểm, IELTS 9.0 được cộng 2 điểm. Nếu đạt nhiều chứng chỉ hoặc nhiều giải, thí sinh chỉ được chọn mức điểm khuyến khích cao nhất, không cộng nhiều lần.
Nhìn vào thông tin tuyển sinh nêu trên trong năm qua, có thể thấy chỉ cần có điểm IELTS từ 7.0 trở lên, cộng với một học bạ tốt, học sinh có thể dễ dàng được tuyển thẳng vào các trường đại học tốp đầu của Việt Nam như Học viện Ngoại giao, Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại thương… mà không cần phải học ngày, học đêm để đạt được số điểm 27, thậm chí là 30 điểm.
Hay nói cách khác, học sinh chuyển từ việc học ngày, học đêm các môn sang luyện thi IELTS. Theo một số chuyên gia điều này dễ dẫn đến việc hạn chế khả năng của các em học sinh, thay vì phát huy thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, học sinh phải đầu tư phần lớn thời gian vào ngoại ngữ. Đặc biệt, IELTS là một kỳ thi tương đối khó, đòi hỏi học sinh phải rèn luyện cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết… với số lượng từ ngữ chuyên ngành khổng lồ.
Đặc biệt, IELTS không phải lúc nào cũng cần, do đây là một chứng chỉ tiếng Anh chuyên ngành. Vì vậy, nếu chỉ làm việc, sinh sống tại Việt Nam thì còn một số chứng chỉ khác có tính ứng dụng cao hơn như TOEIC, VSTEP…
Liên quan đến chứng chỉ IELTS, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ IELTS cho hai đơn vị là IDP Việt Nam và Hội đồng Anh thực hiện cùng với các đơn vị liên kết.
Trong đó, Hội đồng Anh được phép tổ chức thi chứng chỉ IELTS tại 10 địa điểm của 5 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TPHCM.
Thí sinh có thể dự thi chứng chỉ IELTS của IDP ở 4 địa điểm trên cả nước, cụ thể gồm 2 điểm ở Hà Nội, 1 điểm ở Đà Nẵng và 1 điểm ở TPHCM. Tại Hà Nội, thí sinh dự thi ở số 30 Triệu Việt Vương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng và số 15-17 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình.
Ở Đà Nẵng, thí sinh dự thi tại số 10 Ngô Gia Tự, phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Các thí sinh ở TPHCM dự thi ở số 161-161A Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dừng tổ chức thi chứng chỉ IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế. Lý giải về lý do dừng tổ chức thi chứng chỉ IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể: Hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.