Chung cư, khách sạn dưới 5 tầng có phải thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy?

Quy định hiện hành không yêu cầu 'nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng' phải thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy.

Liên quan đến một số thắc mắc về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, phóng viên Báo Điện tử VOV đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Khoa học, công nghệ và kiểm định phương tiện PCCC và CNCH (Bộ Công an).

Khu vực trung tâm thành phố Hà Nội (Ảnh: Văn Ngân)

Khu vực trung tâm thành phố Hà Nội (Ảnh: Văn Ngân)

PV: Có thông tin cho rằng “công trình nào cũng yêu cầu có các cửa thép chống cháy, đòi hỏi tiêu chuẩn EI70, nhưng phương pháp kiểm định lẽ ra cấp chứng chỉ cho nơi nhập khẩu lô hàng, thì lại thẩm định theo công trình”, và “trước đây, hệ thống ống gió điều hòa chỉ cần bọc amiang, nhưng nay, QCVN 06:2022/BXD yêu cầu bọc bằng thạch cao chống cháy có chi phí đắt đỏ, khiến doanh nghiệp đầu tư đội chi phí lên gấp đôi, gấp ba”, các thông tin như vậy có chính xác không?

Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Hiện nay, cách hiểu quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn như vậy là quy chụp, không đúng quy định. Cụ thể: Tại QCVN 06:2021/BXD và QCVN 06:2022/BXD quy định giới hạn chịu lửa của cửa đi trên vách ngăn cháy loại 1, 2, 3 tương ứng là EI 60 phút; EI 30 phút; EI 15 phút. Hiện nay, có rất nhiều đơn vị trên thị trường sản xuất, cung cấp các sản phẩm đạt chất lượng nêu trên, với chất lượng phù hợp và thiết kế bảo đảm hoạt động an toàn, thuận tiện, các doanh nghiệp có thể dễ dàng liên hệ và tìm hiểu. Mặt khác, việc bảo đảm an toàn PCCC trong các loại nhà và công trình ngoài áp dụng QCVN 06:2022/BXD còn thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng đối với từng loại hình công trình. Hiện nay, QCVN 06:2022/BXD đã có quy định một số khu vực được sử dụng loại cửa có giới hạn chịu lửa EW (tính toàn vẹn và tính bức xạ nhiệt), giảm yêu cầu so với QCVN 06:2021/BXD.

Đối với việc kiểm định cửa chống cháy, hiện nay quy định pháp luật chỉ yêu cầu kiểm định đối các mẫu cửa để làm mẫu phục vụ sản xuất, nhập khẩu cung cấp cho thị trường, không quy định phải kiểm định cho từng dự án, công trình.

Bên cạnh đó, tại QCVN 06:2021/BXD và QCVN 06:2022/BXD chỉ quy định giới hạn chịu lửa của ống dẫn khói, không khí với giới hạn chịu lửa tương ứng là EI60 phút, không quy định vật liệu sử dụng. Hiện nay rất nhiều danh nghiệp sản xuất các sản phẩm loại này đã được thử nghiệm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng các vật liệu chống cháy khác nhau, không nhất thiết sử dụng thạch cao chống cháy.

PV: Theo quy định, hiện nay các cơ sở như nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng, cửa hàng kinh doanh, sửa chữa bảo dưỡng xe dưới 500m2 cũng phải thông báo về đảm bảo an toàn PCCC với cơ quan chức năng; phải được thẩm duyệt thiết kế. Vì vậy, khi kiểm tra, một số lượng lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị buộc phải dừng hoạt động để khắc phục. Thêm vào đó, theo quy định mới, các công trình có hạng mục cải tạo, sửa chữa dù nhỏ vẫn phải xin cấp giấy phép thẩm duyệt thiết kế. Như vậy rất khó khăn cho doanh nghiệp và người dân?

Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Danh mục dự án, công trình thuộc diện thẩm duyệt về PCCC được quy định cụ thể tại Phụ lục V, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó chỉ quy định: “Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên” thì thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC, không quy định “nhà chung cư, nhà hỗn hợp, khách sạn, nhà làm việc của doanh nghiệp cao dưới 5 tầng” phải thuộc diện thẩm duyệt về PCCC.

PV: Có ý kiến cho rằng, yêu cầu về khoảng cách PCCC do Bộ Công an đặt ra khó thực hiện, đặc biệt tại các đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, TP.HCM, doanh nghiệp nói sẽ rất chật vật để đáp ứng?

Thượng tá Nguyễn Văn Bình: Ngày 28/7/2010, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 07/2010/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, và có hiệu lực thi hành từ ngày 17/9/2010. Theo đó, tại quy chuẩn này có quy định trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, bố trí mặt bằng - không gian và kỹ thuật công trình để bảo đảm khi xảy ra cháy thì lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản; không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ. Do đó, tại Phụ lục E của quy chuẩn này quy định khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà và công trình. Các quy định này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại các lần sửa đổi năm 2020, 2021, 2022.

Tại Quy chuẩn đã đưa ra các giải pháp để khi các công trình không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì phải có các giải pháp ngăn cháy để thay thế, giảm khoảng cách an toàn PCCC như sử dụng tường ngăn cháy, bổ sung hệ thống chữa cháy tự động... Nếu thiết kế công trình không bảo khoảng cách an toàn PCCC và cũng không bảo đảm ngăn cháy giữa các công trình thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy lan đến các công trình lân cận và gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH- Bộ Công an luôn nắm bắt các phản ánh bất cập của doanh nghiệp và người dân để thông tin Bộ Xây dựng trong quá trình soát xét các quy định về PCCC.

Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu các giải pháp để đưa ra các quy định khoảng cách an toàn PCCC phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chung-cu-khach-san-duoi-5-tang-co-phai-tham-duyet-phong-chay-chua-chay-post1012840.vov