Chung cư mini có phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy không?
Tình trạng cháy nổ tại các chung cư mini đang xảy ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn về tính mạng, sức khỏe và kinh tế. Vậy chung cư mini có phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy không?, chúng ta cùng tìm hiểu những quy định về việc này dưới đây.
Theo khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014, chung cư mini là loại hình nhà ở có từ 2 tầng trở lên, gồm nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung và có phần sở hữu chung, sở hữu riêng… cho các hộ gia đình.
Chung cư hiện được xây dựng với hai mục đích là để ở và mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Chung cư mini có phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy không?
Căn cứ phụ lục IV và phụ lục V ban hành kèm Nghị định 136/2020/NĐ-CP có đề cập đến chung cư như sau:
- Nhà chung cư cao dưới 05 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 05 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 05 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3 phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
- Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Như vậy, theo quy định này, chung cư mini dù cao trên 7 tầng hay dưới 5 tầng thì đều phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini như thế nào?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy với chung cư mini được quy định như sau:
Với nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3
Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ/biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn đúng chuẩn.Có phương án chữa cháy đã được phê duyệt.
Hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn.
Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn.
Có phân công và quy định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Những người được phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Với nhà chung cư cao 7 tầng trở lên: Ngoài những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini dưới 7 tầng ở trên thì với chung cư trên 7 tầng còn phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Bộ Công an chỉ rõ nhiều bất cập trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ
Theo Bộ Công an cho biết, việc phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) giữa các Bộ, ngành, địa phương còn chồng chéo, chưa phù hợp với điều kiện thực tế.
Quy định hiện hành cũng chưa phân công trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể xã hội như Công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đoàn thể khác, trong khi lực lượng này luôn xung kích, đi đầu trong các phong trào.
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở, chủ hộ gia đình chưa quan tâm thường xuyên đối với công tác PCCC và CNCH. Có nhiều cơ sở chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng ban đầu, còn công tác quản lý, tự kiểm tra an toàn PCCC của cơ sở chưa quan tâm, khoán trắng cho Đội PCCC cơ sở.
Quy định hiện hành cũng chưa rõ về xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ sở, phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Bộ Công an đánh giá, quy định giao quyền huy động lực lượng và phương tiện của lực lượng PCCC để chữa cháy cho người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC chưa phù hợp với quy định khác.
Ở một số địa phương, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện chưa có Đội cảnh sát PCCC và CNCH. 8 tỉnh có duy nhất một đội đặt tại trung tâm hành chính của tỉnh, bán kính bảo vệ lên đến hàng chục, hàng trăm km (!).
Trong khi đó, mô hình đội dân phòng hầu như chưa được thành lập đầy đủ ở các cấp hành chính theo quy định của Luật PCCC. Hầu hết đội dân phòng cấp thôn chỉ mang tính hình thức, thực hiện nhiều nhiệm vụ (PCCC, hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở...).
Lực lượng PCCC tình nguyện chưa được tổ chức thực hiện do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia.
Việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC và CNCH một số ngành nghề tư vấn về kinh doanh dịch vụ PCCC và CNCH trong luật chưa quy định.
Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội khiến hơn 40 người thương vong
Khoảng 23h50 ngày 12/9, trên địa bàn phường Khương Đình (Thanh Xuân - Hà Nội) xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ.
Đến 5h ngày 13/9, thống kê sơ bộ đã thực hiện cứu hộ thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người, trong đó có người đã tử vong.
Đây là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan của quận Thanh Xuân đang phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố và các lực lượng chức năng khẩn trương xử lý tại hiện trường, tiến hành hỗ trợ người bị nạn và có các phương án khắc phục hậu quả vụ cháy. Đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Sáng nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã xuống hiện trường, kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy chung cư mini và thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đến kiểm tra hiện trường vụ cháy và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ.
Chung cư mini này có diện tích mặt sàn khoảng 200m2, 150 người dân sinh sống trong gần 50 căn hộ cho thuê. Trong đó, 1 tầng hầm để xe, 8 tầng căn hộ và 1 tầng tum. Mỗi tầng được thiết kế với 5 căn hộ có diện tích căn hộ từ 35-56m2.