Chung cư mini xây dựng vượt phép, gây hậu quả nghiêm trọng: Trách nhiệm thuộc về ai?

Tối 13/9, trên mạng xã hội và một số cơ quan truyền thông, báo chí lan truyền giấy phép xây dựng của chung cư mini xảy ra cháy nổ, để lại hậu quả nghiêm trọng tại Hạ Đình, Thanh Xuân. Theo đó, chung cư này đã xây dựng vượt phép.

Nếu chung cư mini xây dựng vượt phép, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo thông tin từ Báo Lao động, trong Giấy phép xây dựng số 89-2015/GPXD do UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cấp cho ông Nghiêm Quang Minh ngày 11/3/2015, công trình tại địa chỉ số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình chỉ được cấp phép 6 tầng, cùng tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật.

 Nếu chung cư mini xây dựng vượt phép, ai sẽ phải chịu trách nhiệm. (Ảnh: NN)

Nếu chung cư mini xây dựng vượt phép, ai sẽ phải chịu trách nhiệm. (Ảnh: NN)

Giấy phép này cũng nêu rõ tên công trình là nhà ở riêng lẻ. Diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) là 167,4m2; mật độ xây dựng là 70% và tổng diện tích sàn xây dựng là 1.165.9m2; tổng chiều cao công trình là 20,2 m2 (không tính tum thang).

Theo quy định tại Luật Xây dựng hiện nay, nhà ở liền kề trong khu dân cư trong mọi trường hợp đều không được xây quá 6 tầng.

Việc chung cư mini xảy ra vụ cháy tại số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ có chiều cao lên tới 9 tầng, 1 tum đặt ra nghi vấn chủ nhà xây vượt tới 3 tầng so với giấy phép được cấp năm 2015.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Minh Thu cho rằng: Hiện tại, cơ quan chức năng chưa xác minh được tính xác thực của giấy phép xây dựng lan truyền trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, vai trò của Cơ quan quản lý hành chính đối với hoạt động của chung cư mini được thể hiện ở khía cạnh quản lý về quy hoạch, xây dựng và đặc biệt là quản lý hành chính về phòng cháy chữa cháy.

“Nếu nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng của vụ cháy nổ ở địa bàn quận Thanh Xuân – Hà Nội được xác định là do công trình xây dựng không đáp ứng các chỉ tiêu về quy hoạch, xây dựng và phòng cháy chữa cháy mà vẫn được triển khai thi công và đưa vào khai thác sử dụng thì bên cạnh trách nhiệm của chủ sở hữu công trình còn là công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát của các đơn vị có chức năng tại cấp cơ sở, cấp quận và các sở chuyên ngành”, Luật sư Thu nói.

Trách nhiệm của "chủ nhà"

Cũng trong tối 13/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng) đối với Nghiêm Quang Minh, chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy tại Thanh Xuân, về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo Điều 313 Bộ Luật Hình sự.

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Minh Thu, Công ty Luật TNHH Hợp Nhất, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, mặc dù pháp luật chưa có khái niệm về chung cư mini, nên về hình thức, các dự này được coi là một nhà ở riêng lẻ.

 Nghiêm Quang Minh chủ của chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy. (Ảnh: NN)

Nghiêm Quang Minh chủ của chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy. (Ảnh: NN)

Theo bà Thu, dù dưới dạng nhà ở riêng lẻ, song “chủ nhà” vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy chuẩn luật định đảm bảo công trình xây dựng đúng quy hoạch, an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trong trường hợp công trình xây dựng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại về người và tài sản) thì bên bán/cho thuê căn hộ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về người và tài sản do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Cá biệt đối với vụ cháy nổ chung cư mini tại Hạ Đình, Thanh Xuân, việc xác định trách nhiệm thuộc về ai thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ trên cơ sở điều tra, xác minh nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả cháy nổ là do công trình xây dựng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy hay do nguyên nhân chủ quan và khách quan khác dẫn đến việc cháy nổ.

“Tùy vào chủ thể của việc sai phạm sẽ xác định đối tượng chịu trách nhiệm về hậu quả cháy nổ thương tâm vừa xảy ra”, Luật sư Thu nói.

Trong trường hợp nếu chủ sở hữu chung cư mini vi phạm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy có thể bị phạt tiền, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Cụ thể, Điều 313 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định: Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2-5 năm.

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-12 năm.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chung-cu-mini-xay-dung-vuot-phep-gay-hau-qua-nghiem-trong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-post264519.html