Chung cư và 'phép thử' trong cơn bão

Căn hộ chung cư là một phần không thể thiếu của các khu đô thị lớn, tuy nhiên đi đôi với sự bùng nổ của loại hình nhà ở này là câu chuyện về kiểm soát chất lượng. Những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi sau cơn bão số 3 vừa qua cho thấy rõ việc thi công không đảm bảo quy trình, làm việc thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư một số dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dấu hỏi về chất lượng

Tại Hà Nội, vào khoảng đầu những năm 2000 những căn hộ chung cư cao tầng đầu tiên bắt đầu được xây dựng và bùng nổ mạnh vào khoảng 10 năm gần đây. Thời gian đầu, tại các khu đô thị mới như Định Công, Linh Đàm, Trung Hòa - Nhân Chính xuất hiện các chung cư cao 9, 10 tầng. Các tòa chung cư này thiết kế căn hộ với diện tích từ 50 - 70m2. Đến nay, mô hình chung cư cao tầng đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc với nhiều loại hình từ bình dân, cao cấp, hạng sang. Có thể thấy rõ, nếu lúc trước chiều cao trung bình mỗi tòa chỉ 9 - 10 tầng thì giờ đã tăng lên 30 - 40 tầng. Hệ thống quy định pháp luật dần hoàn thiện là một trong những điểm sáng giúp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xây dựng, quản lý chung cư. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, loại hình nhà ở này cũng nảy sinh nhiều vấn đề mà trong đó nổi cộm nhất là câu chuyện về “chất lượng”. Nhìn chung, việc phân loại căn hộ chung cư ở nước ta hiện nay trong các văn bản pháp quy về nhà ở mới chỉ dừng lại phân loại căn hộ theo diện tích, theo số phòng ở, theo thành phần không gian chức năng… chưa có phân cấp theo chất lượng và tiện nghi sử dụng. Tình trạng tiêu chí phân loại còn chung chung, chưa đáp ứng các yêu cầu thực tiễn gây nên nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau trong từng trường hợp và với mỗi chủ đầu tư.

Những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin sau cơn bão số 3 vừa qua cho thấy rõ việc thi công không đảm bảo quy trình, làm việc thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư một số dự án.

Những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin sau cơn bão số 3 vừa qua cho thấy rõ việc thi công không đảm bảo quy trình, làm việc thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư một số dự án.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơn bão số 3 vừa qua chính là phép thử đối với các tòa nhà chung cư cao tầng. Sở hữu căn góc tầng 29 tại tòa nhà chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, anh Nguyễn Chiến Thắng luôn tự hào khoe về tầm nhìn rộng thoáng toàn thành phố của căn nhà mình, tuy nhiên, lúc bão đổ bộ Thủ đô chiều tối ngày 7/9, căn góc mà anh Thắng luôn tự hào lại hứng trọn những đợt mưa tạt, gió rít của cơn bão số 3. Khung cửa kính với cái nhìn toàn cảnh Thành phố thường xuyên, rung lắc, nước chảy qua các khen rảnh tràn vào nhà nên vợ chồng anh tìm cách chống thấm bằng khăn lau và vắt nước liên tục. Sau nhiều giờ loay hoay che chắn, vợ chồng anh quyết định đưa con nhỏ xuống sảnh vì lo sợ cửa vỡ sẽ bắn ra nhà gây mất an toàn. Cùng cảnh ngộ, Phương Trang, cư dân tại một tòa chung cư cao tầng tại Linh Đàm đã phải cắm hàng chục ống hút nhỏ vào khung cửa sổ để tạo thành dòng chảy nhỏ hút nước vào chậu, tránh chảy tràn ra xung quanh nhà. “Nhìn từng dòng nước chảy ra trong ống hút mà tôi vừa buồn cười vừa bực. Mang tiếng lên chung cư để tránh nước ngập mà giờ nước vẫn ngập quanh nhà”, chị Trang chia sẻ…

Không chỉ trong căn hộ, nhiều khu chung cư cũng bộc lộ rõ chất lượng xây dựng kém ở các khu vực sử dụng chung như sảnh khi có hiện tượng thấm dột nước mưa theo thang máy, thậm chí cửa kính vỡ toang hay sập cả trần khu thang máy. Có lẽ đã đến lúc cần nghiêm túc đặt ra câu hỏi về chất lượng của các công trình chung cư, khi đáng ra là nơi trú ẩn an toàn, thì lại thành chỗ thấp thỏm lo âu.

Có phải là bài toán khó?

Trước hết, cần khẳng định, việc một số tòa chung cư chỉ mới hoạt động 4-6 năm cũng “đổ cả mảng kính, sập trần nhà, hỏng lan can, nước tràn qua khung cửa nhôm kính” khi cơn bão đi qua cho thấy chất lượng thi công hoặc trang thiết bị, vật liệu “có vấn đề”. Việc thi công không đảm bảo quy trình, làm việc thiếu trách nhiệm ở một số dự án là trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu nhưng cư dân lại là người phải gánh chịu. Thực tế hiện nay cho thấy, các tòa nhà cao tầng đều phải có những tiêu chuẩn riêng về an toàn bao gồm rất nhiều hạng mục, từ phòng cháy chữa cháy cho đến việc phải chống chịu được các tác động khi có gió bão, rung lắc, động đất. Các hạng mục lớn đều được thẩm định trước khi đưa vào sử dụng, tuy nhiên nhiều hạng mục nhỏ rất khó để kiểm tra, và chất lượng xây dựng đã lộ ra sau khi trải qua cơn bão vừa rồi.

Theo Nghị định số 95/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024 đã làm rõ việc phân hạng chung cư. Theo đó, thay vì quy định hạng A, B, C, các dự án sẽ được phân loại 1, 2, 3. Phân loại sẽ dựa trên 8 tiêu chí bắt buộc bao gồm: vị trí, địa điểm nhà chung cư; tiện ích trong khuôn viên nhà chung cư; chỗ để xe; hành lang, sảnh; thang máy; cấp điện; căn hộ; tiêu chí tối thiểu là tuân thủ các quy chuẩn xây dựng. Cùng với đó là 5 tiêu chí bổ sung bao gồm: dịch vụ quản lý vận hành; môi trường; an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ; công trình xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả; số hóa và nhà ở thông minh…

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể một cơn bão không thể lấy làm tiêu chí để đánh giá tất cả chất lượng chung cư. Tuy nhiên, cơn bão Yagi cũng chính là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh về chất lượng xây dựng các căn hộ chung cư hiện nay. Do đó, cần rà soát, kiểm tra lại tất cả công trình chung cư hiện hữu, phải bảo đảm chất lượng xây dựng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chung-cu-va-phep-thu-trong-con-bao-177248.html