Chủng Delta xóa mục tiêu 'Zero Covid', TP.HCM cần làm gì khi mở cửa?

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng trước khi mở cửa nền kinh tế, TP.HCM cần có hệ thống giám sát dịch - 'chiếc đồng hồ đo tốc độ' để biết lộ trình mở cửa của TP có phù hợp hay không.

Sự xuất hiện của biến thể Delta đã “vô hiệu hóa” mục tiêu “Zero Covid” của các quốc gia. Tại Việt Nam, sau 3,5 tháng giãn cách, chính quyền TP.HCM quyết định thay đổi hướng tiếp cận với dịch bệnh này. Câu hỏi không còn là bao giờ đại dịch này kết thúc, mà đổi thành chúng ta "sống chung" với nó như thế nào?

Trong dự thảo kế hoạch mở cửa, phục hồi kinh tế 3 giai đoạn mà UBND TP.HCM vừa đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia, thành phố dựa vào “thẻ xanh Covid-19” hoặc “thẻ vàng Covid-19” để quản lý các cá nhân an toàn, cho phép nới lỏng hoạt động. Hai điều kiện để được cấp các loại thẻ này là: Tiêm ngừa hoặc khỏi bệnh.

Chủ trương tái khởi động lại “đầu tàu kinh tế” dựa trên những kế hoạch khoa học nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia, trong đó có PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y dược TP.HCM). Tuy nhiên, ông lưu ý rằng trước khi cho “đầu tàu” này khởi động, “thẻ xanh” hay “thẻ vàng” là chưa đủ. TP.HCM cần có một “đồng hồ đo tốc độ” tốt, hay nói cách khác là một hệ thống giám sát dịch chính xác nhất có thể để đánh giá tình hình.

TP.HCM làm thí điểm cho cả nước

TS Đỗ Văn Dũng đánh giá chiến lược chấp nhận “sống chung với Covid-19” của TP.HCM là cần thiết và đủ điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, ngoài TP.HCM, các tỉnh, thành còn lại hầu như chưa đủ điều kiện để “sống chung”. Do đó, nhiều người còn hơi e dè và có quan điểm khác về lộ trình mở cửa của thành phố.

Ông khẳng định, quan điểm theo đuổi mục tiêu “Zero Covid” ở Việt Nam không còn phù hợp nữa và TP.HCM có thể đi trước trong “sống chung với dịch”, mở cửa nền kinh tế để làm thí điểm cho cả nước.

“Xét giữa chiến lược không Covid-19 và sống chung thì cách thứ nhất ít thành công và đem nhiều tổn thất chung về xã hội hơn”, ông Dũng đánh giá.

TP.HCM có thể đi trước trong “sống chung với dịch”, làm thí điểm cho cả nước.

Nhận định về việc TP.HCM kéo dài các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội đến hết tháng 9, TS Dũng cho rằng cách làm này phù hợp cho mục tiêu giảm số mắc do Covid-19 nhưng chưa tạo điều kiện tốt nhất cho thành phố phát triển và cuộc sống người dân. Ông phân tích việc kiểm soát dịch là giảm thiểu ca mắc, số ca tử vong, để ảnh hưởng ít nhất tới hệ thống chính trị, đời sống xã hội và kinh tế.

“Nếu đặt mục tiêu như vậy thì việc mình chấp nhận mở cửa một bước để phục hồi kinh tế là bước cực kỳ quan trọng thời điểm hiện nay”, TS Đỗ Văn Dũng nói.

 PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: Đại học Y dược TP.HCM.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: Đại học Y dược TP.HCM.

TP.HCM có thể mở cửa lại những hoạt động kinh tế thiết yếu trước và chỉ hoạt động trong phạm vi thành phố để không ảnh hưởng tới các tỉnh, thành khác.

Về nguyên tắc, thành phố phải thiết lập các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhưng ít tốn phí cho xã hội, ảnh hưởng tới phát triển sản xuất bằng nhiều biện pháp như giãn cách xã hội, không tập trung nơi đông người, đóng cửa dịch vụ không thiết yếu như karaoke, massage... Các rào cản này ảnh hưởng tối thiểu đến chuỗi sản xuất hay cuộc sống, sinh kế của người dân.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần triển khai nhanh chóng việc tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên. Đặc biệt là ưu tiên tiêm đủ 2 mũi cho người có nguy cơ cao từ 50 tuổi trở lên.

Ngoài những yếu tố nêu trên, để đảm bảo số ca nhiễm không gây quá tải bệnh viện, tăng tỷ lệ tử vong thì TP.HCM cần có hệ thống giám sát dịch tễ tốt. Hệ thống giám sát này sẽ giúp thành phố đánh giá khi nào tình hình tăng/giảm của dịch để có các biện pháp phù hợp - chặt chẽ hơn hoặc nới lỏng dần ra.

“Nó giống như đồng hồ đo tốc độ để biết lộ trình mở cửa của ta có phù hợp hay không”, ông Dũng so sánh.

Phải có hệ thống giám sát dịch trước khi mở cửa nền kinh tế

Nói về tiêu chí của hệ thống giám sát này, chuyên gia cho rằng cần các yếu tố: Độ đặc hiệu/độ nhạy - Kịp thời - Đại diện - Có hiệu quả kinh tế - Tính bền vững - Đơn giản (Specificity/Sensitivy - Timely - Representative - Efficiency - Sustainability - Simplicity).

Cụ thể hơn, ông Đỗ Văn Dũng gợi ý thứ nhất, thành phố có thể áp dụng hệ thống cảnh báo tại các bệnh viện. Ví dụ, bệnh viện ghi nhận số ca Covid-19 gia tăng thì đây là chỉ số quan trọng cho thấy dịch đang ở ngoài cộng đồng. Thứ hai là giám sát chủ động tại một số địa bàn dân cư nhất định để xem có sự lây lan hay không. Thứ ba là giám sát ở các nhóm đại diện có tỷ lệ di động nhiều, nguy cơ cao như nhân viên bán hàng siêu thị, shipper.

Dựa trên kết quả giám sát, nếu số ca nhiễm giảm dần thì có thể “tương đối yên tâm”. Còn nếu tăng thì phải bắt đầu cảnh giác và nếu tăng mạnh thì cần hành động ngay.

 TP.HCM cần có hệ thống giám sát dịch bệnh trước khi mở cửa lại nền kinh tế. Ảnh: Chí Hùng.

TP.HCM cần có hệ thống giám sát dịch bệnh trước khi mở cửa lại nền kinh tế. Ảnh: Chí Hùng.

Hệ thống giám sát này đòi hỏi hàng loạt các chỉ số như: Số ca tử vong, số ca mắc mới, chỉ số về tỷ lệ xét nghiệm dương tính… Ông nhấn mạnh các dữ liệu này cần được đánh giá theo hệ thống, không nên được xem xét đơn lẻ. Ví dụ, số ca tử vong rất quan trọng nhưng thường có độ trễ và cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên phải xem xét bối cảnh.

Không có hệ thống giám sát thì giống như bước ra ngoài đi một chiếc xe mà mất đồng hồ tốc độ hoặc bị bịt mắt.

Ngoài giám sát dịch bệnh, thành phố còn nên giám sát thêm hành vi nguy cơ. Ví dụ, thành phố quy định tại khu làm việc, mỗi người cách nhau 1 m, nhưng nếu kiểm tra thấy người lao động thực hiện không đúng thì có thể đánh giá đây là điểm nguy cơ.

Bên cạnh đó, khi trở lại bình thường mới, thành phố có thể giữ tỷ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên ở mức vừa phải để dự báo, cảnh báo được tình hình dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc xét nghiệm cần lưu ý không gây quá tải cho nhân viên y tế và không trở thành gánh nặng cho người dân.

“Nếu không có hệ thống giám sát thì giống như bước ra ngoài, đi một chiếc xe mà mất đồng hồ tốc độ hoặc bị bịt mắt vậy. Khi bắt đầu tính chuyện mở cửa thì hệ thống giám sát phải có và phải đạt một số yêu cầu tối thiểu”, ông Dũng nói.

Chuyên gia từ Đại học Y dược TP.HCM nhấn mạnh yếu tố quan trọng để kiểm soát ca tử vong là TP phải đảm bảo hệ thống điều trị, khám chữa bệnh đáp ứng được sự gia tăng số ca bệnh ở một mức độ nào đó. Ông cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, tỷ lệ giường trống an toàn là 25%, hay nói cách khác, số bệnh nhân nhập viện chỉ chiếm 75% năng lực của ngành y tế. Khoảng trống còn lại là để xử trí các tình huống bất ngờ phát sinh.

Năng lực này nên được giới hạn rõ tại cả 3 tầng điều trị. Cụ thể, ở tầng 1, nếu cách ly tại nhà quá nhiều có thể dẫn đến lây lan; tầng 2 nếu không đủ máy thở oxy cho bệnh nhân sẽ làm tăng trường hợp chuyển nặng, phải đưa lên tầng 3.

Ông lấy ví dụ hiện TP.HCM có 4.000 giường ICU thì phải tính xem với số lượng đó, thành phố “chấp nhận được” tối đa bao nhiêu ca nhiễm một ngày. Nếu tính theo số liệu này, số ca mắc mới mỗi ngày dưới 3.000 thì có thể yên tâm, khoảng 5.000 thì báo động, và đến 8.000 phải lập tức thiết lập các biện pháp cực đoan hơn.

Nguyên lý là phải kiểm soát dịch dựa trên khả năng đáp ứng. Số giường bệnh là con số tương đối ổn định, không thay đổi được nên xem như hằng số. Biến số là các biện pháp can thiệp cần thay đổi tùy theo biến số dịch tễ.

"Với điều kiện của TP.HCM hiện nay, nếu có thể khống chế ca tử vong mỗi ngày dưới 100 thì hệ thống y tế (bao gồm điều trị và dự phòng) sẽ tạm thời ổn định và thành phố có thể mở cửa dần dần", TS Đỗ Văn Dũng đánh giá.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chung-delta-xoa-muc-tieu-zero-covid-tphcm-can-lam-gi-khi-mo-cua-post1262593.html