Chung kết Copa America 2024: Bóng đá Mỹ và mỏ vàng Messi
Chung kết Copa America 2024 giữa Argentina và Colombia trở thành sự kiện tạo sức hút chưa từng có ở Mỹ, nhờ hình ảnh Lionel Messi.
Nền bóng đá thay đổi
Tiếng trống trầm vang lên. Mọi người hát trên khán đài. "Ole, ole, mỗi ngày anh càng yêu em nhiều hơn". Không khí này có thể là khán đài của bất kỳ SVĐ bóng đá nào ở Argentina, Colombia, hoặc Mexico.
Nhưng không, những tiếng hát này đến từ La 12 de Atlanta, khán đài dành cho CĐV người Latinh của Atlanta United, thuộc giải bóng đá Nhà nghề Mỹ (MLS). Khoảng 400-800 thành viên thường đi theo đội.
Họ không phải ngoại lệ. Chủ tịch và người sáng lập La12, Gabriel Diaz, một người Uruguay 35 tuổi, cho biết: "Tất cả các CLB của Mỹ đều có đội CĐV Latinh vì người Latinh ở khắp mọi nơi".
Những người Latinh sinh ra với một quả bóng trong nôi, lớn lên đá bóng trên những sân cỏ nhân tạo, những công viên bụi bặm và những con đường trải nhựa trước nhà.
73% người Latinh trên 16 tuổi cho biết họ hâm mộ thể thao, 32% thừa hưởng tình yêu dành cho một biểu tượng cụ thể và 22% tự coi mình là "siêu hâm mộ".
Cho đến năm 1996, khi MLS diễn ra với 10 đội, Mỹ vẫn chưa có giải bóng đá chuyên nghiệp nào. Trước đó là cuộc thử nghiệm thất bại trong giai đoạn 1968-1984 khi Pele và Beckenbauer khoác áo New York Cosmos.
Dự án bóng đá ngày đó không bao giờ có tương lai ở một đất nước mà bóng chày, bóng bầu dục và bóng rổ hoàn toàn thống trị lợi ích thể thao.
Theo một cuộc thăm dò của Gallup, vào năm 1997, bóng đá đứng cuối cùng trong danh sách các môn thể thao được yêu thích cùng với trượt băng nghệ thuật. Hai mươi năm sau, môn thể thao này vươn lên vị trí thứ 4, sắp vượt qua bóng chày.
Không có dữ liệu chắc chắn, nhưng mối tương quan giữa sự tăng trưởng của dân số Latinh với mức tăng phổ biến của bóng đá không gây quá nhiều nghi ngờ.
Có thể thấy điều đó trong việc lựa chọn các thành phố để phát triển MLS, với sự ra mắt của đội mới tại San Diego vào năm 2025, nâng số thành viên tranh tài lên con số 30 CLB.
Khi điều đó xảy ra, chỉ riêng California, Texas và Florida (các bang có dân số Latinh lớn nhất) gồm 9 CLB, gần 1/3 toàn bộ giải đấu. New York, nơi có nhiều người Latinh khác, sở hữu 2 đội.
Theo dữ liệu từ Forbes, trận chung kết World Cup 2022 được 26 triệu người Mỹ theo dõi, các trận đấu của ĐTQG ở vòng bảng có từ 12-15 triệu người xem.
Để so sánh, trận đấu đầu tiên của NBA Finals năm nay có trung bình 11 triệu người theo dõi.
Mỏ vàng nhờ Messi
Nhìn bằng con mắt đầu tư, những dữ liệu này mang lại kết luận tích cực: biên độ tăng trưởng vẫn rất lớn và lợi nhuận tiềm năng cũng vậy.
Chỉ riêng dân số Latinh đã là một thị trường rộng lớn chưa được khai thác triệt để. Tại thời điểm này, họ lưu hành dòng tiền khoảng 3,4 nghìn tỷ USD hàng năm, đồng thời sức mua của họ tăng gấp đôi so với các nhóm nhân khẩu học khác.
Hơn nữa, với tư cách là một tập thể, họ chi trung bình nhiều hơn 20% thu nhập của mình cho các sản phẩm và trải nghiệm thể thao.
Trong bối cảnh đó, việc Mỹ được chọn đăng cai Copa America 2024 - phiên bản mở rộng nhất cho đến nay; cũng như cùng Mexico và Canada tổ chức kỳ World Cup đầu tiên gồm 48 đội, cho thấy rõ hơn tiềm năng phát triển.
Các khoản đầu tư của những ngân hàng Mỹ vào các CLB lớn ở châu Âu cũng phản ứng với diễn biến tương tự của thị trường bóng đá.
Một dữ liệu khác ủng hộ ý tưởng này: khoảng 200 triệu người trên khắp thế giới xem Super Bowl năm nay. Trận El Clasico - giữa Real Madrid và Barcelona - có khoảng 600 triệu người xem mỗi năm.
Inter Miami đi tiên phong trong cuộc cách mạng, đến mức thay đổi luật lệ của MLS, để mang về Lionel Messi - biểu tượng không chỉ của người Latinh - và những người bạn của anh.
Hiệu ứng Messi vừa hữu hình về mặt kinh tế vừa vô hình ở sự quan tâm mà nó tạo ra. Trong 24 giờ đầu tiên anh trở thành cầu thủ của đội, giá vé trận đấu tăng 1.034%,
Các hợp đồng tài trợ tăng giá trị lên gấp nhiều lần, cũng như bản quyền truyền hình. Ý tưởng là từ đây, một vòng tròn đầu tư lớn hơn được tạo ra và liên tục tạo ra những lợi ích lớn hơn.
Sự xuất hiện của Messi trong màu áo Inter Miami đã làm thay đổi mọi thứ. Trung bình 48.599 khán giả đến sân, vượt xa 33.356 ở giải đấu 2019 (giải 2021 hạn chế khán giả vì Covid-19); cũng như vượt kỷ lục 46.370 năm 2016 - giải đấu kỷ niệm 100 năm thành lập, tổ chức tại Mỹ.
Các trận của Argentina luôn chật kín khán giả. 2/5 trận vượt qua mốc 80.000 người. Thấp nhất là trận cuối vòng bảng với Peru: "chỉ" bán hết 64.972 vì Messi vắng mặt.
Sáng Chủ nhật (7h ngày 15/7), khán giả phải bỏ ra ít nhất hơn 2.000 USD để xem chung kết Argentina vs Colombia, gấp 10 lần giải trước. Theo Forbes, vé rẻ nhất 2.127 USD, trung bình 4.024 USD, trong khi vé đắt nhất lên tới 66.765 USD (gần 1,7 tỷ đồng).
Tất cả những điều này không ngoài việc mọi người muốn chứng kiến Messi cùng Argentina tìm kiếm danh hiệu lớn thứ 3 liên tiếp, điều chưa từng có trong lịch sử bóng đá Nam Mỹ.