Chứng khoán 10/7: Tăng trần 5 phiên liên tiếp, một cổ phiếu hóa chất giải trình do lịch chia cổ tức

Theo tìm hiểu, cổ phiếu CSV tăng mạnh ngay sau ngày Hóa chất Cơ bản miền Nam chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền và nhận phát hành cổ phiếu để tăng vốn vào ngày 2/7 mới đây.

5 phiên liên tiếp từ ngày 03/07 đến ngày 09/07/2024 cổ phiếu của CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam (mã CSV) ghi nhận liên tục tăng trần bất chấp thị trường biến động mạnh. Mới đây, công ty này đã giải trình nguyên nhân sự việc này là do yếu tố thị trường quyết định & tâm lý của nhà đầu tư, cổ phiếu tăng mạnh là vấn đề năm ngoài kiểm soát của Công ty.

Cũng tại văn bản giải trình, công ty đưa ra kết quả kinh doanh ước tính trong nửa đầu năm 2024. Cụ thể, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt lần lượt 832 tỷ đồng và 159 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 51% và 61% kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ 2024.

Theo tìm hiểu, cổ phiếu CSV tăng mạnh ngay sau ngày Hóa chất Cơ bản miền Nam chốt ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền và nhận phát hành cổ phiếu để tăng vốn vào ngày 2/7 mới đây. Tỷ lệ cổ tức là 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng), ngày thanh toán được chia làm 2 đợt: Đợt 1, cổ đông nhận cổ tức tỷ lệ 10%, thời gian thực hiện dự kiến vào 16/7; đợt cổ tức còn lại, cổ đông nhận cổ tức theo tỷ lệ 15%, thời gian dự kiến vào 7/10.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ phát hành hơn 66 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 100:150 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 150 cổ phiếu mới). Sau khi phát hành, Hóa chất Cơ bản miền Nam sẽ tăng vốn điều lệ từ 442 tỷ lên 1.105 tỷ đồng.

Tính từ đầu tháng 7, cổ phiếu hóa chất này đã tăng khoảng 50%. Còn tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu này thậm chí còn tăng khoảng 140% giá trị, vốn hóa theo đó cũng đạt ngưỡng trên 4.200 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 10/7, cổ phiếu CSV của Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam chững lại đà tăng khi chỉ ghi nhận sắc xanh nhẹ (+0,26%), thị giá đạt 38.600 đồng/cổ phiếu - đây cũng là mức giá cao kỷ lục kể từ khi CSV niêm yết trên sàn.

Sau quãng ngập ngừng quanh vùng đỉnh cũ, áp lực chốt lời tăng lên trong phiên chiều khiến thị trường đảo chiều giảm điểm. Chỉ số đóng cửa thấp nhất phiên 10/7 với mức giảm 7,77 điểm tại mốc 1.285 điểm. Dòng tiền duy trì với thanh khoản trên HOSE đạt gần 29.000 tỷ đồng.

Các mã đã tăng mạnh thời gian qua giờ đây trở thành “tội đồ” khiến VN-Index giảm mạnh, có thể kể đến FPT (tác động tiêu cực nhất tới VN-Index) với mức giảm 2,55%, MWG (tác động tiêu cực thứ tư tới VN-Index sau GVR và BID) với mức giảm 2,4% và LPB (tác động tiêu cực thứ năm tới VN-Index) với mức giảm 2,35%.

Ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ có mức giảm mạnh nhất thị trường với -2,44% chủ yếu đến từ mã TV2 (-3,29%), KPF (-3,65%) và TV3 (-1,53%). Theo sau là ngành công nghệ và thông tin và ngành bán lẻ với mức giảm lần lượt là 1,95% và 1,67%.

Ở chiều ngược lại, ngành bán buôn là ngành có sự phục hồi mạnh nhất với 0.44% chủ yếu đến từ các mã PLX (+1,2%), HHS (+0,43%), VPG (+0,34%) và TLH (+2,41%).

Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục bán ròng hơn 1 nghìn tỷ đồng, tập trung tại các mã FPT (342tỷ), VCB (159 tỷ), MWG (159 tỷ) và TCB (109 tỷ). Tại chiều mua, cổ phiếu MBB là tâm điểm mua ròng của khối ngoại với giá trị 104 tỷ đồng. Theo sau, HPG và DGC là hai mã tiếp theo được gom 37 và 31 tỷ đồng. Ngoài ra, VIP và VPB cũng được mua 30 và 28 tỷ đồng.

Hương Trang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chung-khoan-107-tang-tran-5-phien-lien-tiep-mot-co-phieu-hoa-chat-giai-trinh-do-lich-chia-co-tuc-123962.html