Chứng khoán 2/10 – 6/10/2023: VN-Index giảm điểm tuần thứ tư liên tiếp

Sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm mạnh trong cuối tháng 9, VN-Index bắt đầu tuần đầu tiên của quý IV/2023 với nhiều biến động. Phiên giao dịch đầu quý có thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 5/2023.

Cổ phiếu chứng khoán tím lịm, thanh khoản thị trường vẫn èo uột

Áp lực bán gia tăng mạnh trong 2 phiên giữa tuần khiến cho VN-Index thậm chí chạm vùng hỗ trợ mạnh tại 1.105 điểm, tương ứng vùng giá MA200 phiên.

Riêng phiên giao dịch cuối tuần VN-Index tăng điểm, nhưng kết thúc tuần vẫn giảm 2,22% so với tuần trước, qua đó có 4 tuần liên tiếp giảm điểm từ vùng giá quanh 1.250 điểm về mức 1.128,54 điểm.

Trong phiên cuối tuần, nhóm cổ phiếu bluechip đang là điểm tựa chính giúp thị trường lấy lại được sắc xanh trong bối cảnh số mã giảm điểm chiếm áp đảo trên bảng điện tử vào giữa phiên. Cụ thể, kết phiên các mã VHM, VNM, VCB, BID... lần lượt đóng góp cho chỉ số chung 1,65 điểm; 0,78 điểm; 0,75 điểm; 0,72 điểm.

Nhóm chứng khoán dẫn đầu thị trường với nhiều mã tăng mạnh trong phiên cuối tuần

Nhóm chứng khoán dẫn đầu thị trường với nhiều mã tăng mạnh trong phiên cuối tuần

Nhóm cổ phiếu có mức tăng mạnh mẽ nhất toàn thị trường là nhóm chứng khoán. Bên cạnh sắc tím của TCH, SRC, YEG, RDP, cổ phiếu Chứng khoán VIX, VND cũng được kéo lên mức giá trần 15.150 đồng/cp và 20.900 đồng/cp. Các mã HHS, CTD, FRT, VCG cũng đang tăng mạnh từ 3 - 6%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1128.54 điểm, tăng mạnh 14,65 điểm (+1.32%).

Tính chung cả tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 73.303,24 tỷ đồng, giảm khá mạnh 21,2% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 19,80%, giảm khá nhanh so với các tuần trước, dưới mức trung bình. Thanh khoản HNX giảm 17,3% với 8.740,16 tỉ đồng. Diễn biến trên thể hiện áp lực bán giảm dần trong tuần qua và thị trường phục hồi tốt ở vùng giá trung bình MA200 phiên ở mức quanh 1.105 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài gia bán ròng tuần thứ 5 liên tiếp, giá trị bán ròng giảm với 389,1 tỷ đồng; bán ròng trên HNX với giá trị 79,21 tỷ đồng.

Trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin như PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 9/2023 đạt 49,7 điểm so với 50,5 điểm trong tháng 8; Thị trường châu Âu bắt đầu đánh thuế carbon từ 1/10/2023 đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro; Thủ tướng ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trị giá 58,7 tỉ USD và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Nhóm bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực trong tuần qua khi đa số vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản ở mức trung bình như QCG (-14,29%), CEO (-13,15%), DXG (-11,64%), DIG (-11,16%), NVL (-10,90%)... tuy nhiên mức độ phân hóa cũng cải thiện khi có nhiều mã đã phục hồi tốt, thu hút dòng tiền ngắn hạn như TCH (+2,16%), HHS (+1,75%), VHM (+1,21%), HDC (+0,65%)...

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng có diễn biến tiêu cực, chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản trên mức trung bình với CTS (-9,34%), WSS (-5,80%), VCI (-5,45%), BSI (-4,88%)... ngoài một số mã tăng giá khi có thông tin chia cổ tức, dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quí III như BVS (+3,91%), SSI (+3,62%), PSI (+2,08%)...

Các cổ phiếu khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến khá tích cực so với thị trường chung khi đa số tăng điểm, thanh khoản cải thiện như DTD (+13,36%), VGC (+9,91%), TIP (+7,53%), GVR (+3,59%)... Trong khi đó nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, nhiều mã giảm mạnh ảnh hưởng tiêu cực lên điểm số thị trường như NVB (-9,92%), TPB (-5,88%), EIB (-5,01%), BID (-4,85%), TCB (-4,99%)... ngoài STB (+0,98%), BVB (+0,96%)..phục hồi.

Lãnh đạo SeABank "rủ nhau" bán cổ phiếu SSB

Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) ngày 6/10 có báo cáo liên quan đến kết quả giao dịch cổ phiếu của lãnh đạo SeABank (mã: SSB). Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này đã hoàn tất bán ra hơn 7 triệu cổ phiếu ngân hàng này theo hình thức thỏa thuận. Sau giao dịch, bà Hương còn nắm giữ 2,414 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng với tỷ lệ 0,098%. Giao dịch được thực hiện trong ngày 4/10. Tính theo giá cổ phiếu SSB tại ngày 4/10 là 24.450 đồng/cp. Bà Hương đã thu về hơn 171 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu ngân hàng này.

Báo cáo về kết quả giao dịch của Phó tổng giám đốc SEABank

Báo cáo về kết quả giao dịch của Phó tổng giám đốc SEABank

Cũng trong tháng 10 này, hôm 2/10, ông Vũ Đình Khoán - Phó Tổng Giám đốc SeABank cũng đã bán thành công 150.000 cổ phiếu SSB, giảm sở hữu tại SeABank từ 5,47 triệu cổ phiếu xuống 5,32 triệu cổ phiếu, tương đương 0,217%. Cổ phiếu SSB chốt phiên ngày 2/10 với giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo thị giá này, ước tính ông Khoán thu về 3,75 tỷ đồng.

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc SeABank cũng đã bán thành công hơn 2,7 triệu cổ phiếu SSB. Sau khi giao dịch, số lượng cổ phiếu ông Quỳnh nắm giữ tại ngân hàng này là 4,72 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 0,19%. Tạm tính theo giá kết thúc phiên giao dịch bán ra vào ngày 27/9 là 26.250 đồng/cổ phiếu, ông Quỳnh thu về hơn 70 tỷ đồng.

Ngoài ra, 2 phó tổng giám đốc khác của SeABank là bà Trần Thị Thanh Thủy và ông Nguyễn Tuấn Cường cũng đã thành công bán ra hơn 100.000 cổ phiếu trong khoảng thời gian trên, thu về khoảng gần 3 tỷ đồng.

Cổ phiếu SSB liên tục giảm giá trong 2 tháng gần đây

Cổ phiếu SSB liên tục giảm giá trong 2 tháng gần đây

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SSB lọt vào rổ chỉ số VN30 hồi giữa tháng 7/2023 nhưng trong 2 tháng gần đây liên tục giảm giá. Chốt phiên giao dịch ngày 6/10, thị giá SSB dừng ở mức 24.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 17% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 8/2023.

Hương Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-2-10-6-10-2023-vn-index-giam-diem-tuan-thu-tu-lien-tiep.html