Chứng khoán 25/9: Nhà đầu tư lại bán tháo, 'bi kịch' giờ mới thực sự bắt đầu?
Sau 'Ngày thứ Sáu đen tối', sang phiên chứng khoán 25/9, nhà đầu tư không những không bắt đáy mà còn tiếp tục bán tháo. Có vẻ như 'bi kịch' giờ mới thực sự bắt đầu.
Chứng khoán 25/9 “đỏ lửa”
Thị trường chứng khoán 25/9 được kỳ vọng sẽ đón nhận đợt “bắt đáy” mạnh mẽ sau khi VN-Index trải qua “Ngày thứ Sáu đen tối” với đà “rơi tự do”. Hy vọng đó càng có cơ sở khi VN-Index chỉ giảm nhẹ đầu phiên. Thậm chí, có thời điểm chỉ số này tìm lại được sắc xanh.
Tuy nhiên, niềm hy vọng chỉ kéo dài hết đợt giao dịch sáng 25/9. Tới phiên chiều, ngay sau khi thị trường hoạt động trở lại, lực bán ra bất ngờ xuất hiện vô cùng mạnh mẽ khiến VN-Index giảm sốc. Càng tới cuối phiên chứng khoán 25/9, đà giảm càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Đóng cửa phiên chứng khoán 25/9, VN-Index giảm 39,85 điểm, tương đương 3,34% xuống 1.153,2 điểm; VN30-Index giảm 37,75 điểm, tương đương 3,15% xuống 1.159,94 điểm.
Đáng chú ý, lực cung đổ ra mạnh mẽ nhưng lực cầu khiêm tốn, thanh khoản phiên chứng khoán 25/9 giảm sâu, chỉ còn gần 1,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 23.496 tỷ đồng được giao dịch thành công. Nhóm VN30 ghi nhận gần 335 triệu cổ phiếu, tương đương 9.316 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Trong phiên chứng khoán 25/9, sắc xanh hòa bình (giảm sàn) phủ đầy bảng giao dịch điện tử. Toàn sàn TP HCM có 495 mã giảm giá thì có tới 116 mã giảm sàn. Các mã giảm sàn đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có 4 blue-chips là GVR, SHB, SSI và VIC.
Chốt phiến chứng khoán 25/9, GVR giảm 1.500 đồng/CP xuống 20.350 đồng/CP; SHB giảm 800 đồng/CP xuống 11.000 đồng/CP; SSI giảm 2.250 đồng/CP xuống 30.350 đồng/CP và VIC giảm 3.500 đồng/CP xuống 46.500 đồng/CP.
Trên sàn Hà Nội, tình hình còn bi thảm hơn. Đóng cửa phiên chứng khoán 25/9, HNX-Index giảm 11,65 điểm, tương đương 4,79% xuống 231,5 điểm; HNX30-Index giảm 38,6 điểm, tương đương 7,55% xuống 472,6 điểm. Nhóm HNX30 ghi nhận có tới 12 blue-chips giảm sàn.
Có vẻ như “bi kịch” chưa dừng lại mà bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Công ty chứng khoán VCBS đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư: Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tạm thời quan sát thêm diễn biến thị trường và dừng giải ngân mới để chờ đợi mức biến động của thị trường giảm xuống, đồng thời có thể cân nhắc thu gọn lại danh mục với tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp khoảng 20% với ưu tiên nắm giữ là các mã chưa bứt phá mạnh từ nền giá gần nhất hoặc điều chỉnh giảm thấp hơn chỉ số chung trong phiên hôm nay”.
HNX30-Index giảm mạnh nhất châu Á
Với đà mất mát 7,55% trong phiên chứng khoán 25/9, HNX30-Index trở thành chỉ số có tốc độ giảm mạnh nhất châu Á.
Thị trường châu Á-Thái Bình Dương có nhiều biến động khi các nhà đầu tư hướng tới dữ liệu lạm phát từ khắp khu vực trong tuần này.
Singapore và Australia dự kiến sẽ công bố số liệu lạm phát trong tháng 8 trong tuần này, trong khi Nhật Bản sẽ công bố dữ liệu lạm phát cho khu vực Tokyo. Dữ liệu lạm phát của khu vực thủ đô được coi là chỉ báo hàng đầu về xu hướng trên toàn quốc.
Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,11%, đảo ngược mức giảm trước đó và kết thúc ở mức 7.076,5.
Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,85% và Topix tăng 0,39%, phục hồi sau mức giảm tuần trước và đóng cửa lần lượt ở mức 32.678,62 và 2.385,5.
Kospi của Hàn Quốc trượt 0,49%, đóng cửa ở mức 2.495,76 và Kosdaq giảm 2,12%, kết thúc ở mức 839,17 và đánh dấu chuỗi bảy ngày giảm giá.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,65% trong giờ giao dịch cuối cùng, trong đó thị trường Trung Quốc đại lục cũng nằm trong vùng tiêu cực. Chỉ số CSI 300 chuẩn giảm 0,65% và kết thúc ở mức 3.714,6.