Chứng khoán 3/10: VN-Index mất gần 40 điểm, thị trường hoảng loạn
Chốt phiên hôm nay (3/10), VN-Index giảm 37,15 điểm (-3,22%), xuống 1.118,1 điểm. Sàn HOSE chỉ còn 37 mã tăng và 481 mã giảm, trong đó có 55 mã giảm sàn.
VN-Index tiếp tục mất gần 40 điểm, thị trường hoảng loạn
Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua đã có một phiên lưỡng lự, chỉ số Dow Jones giảm 0,22% còn 33,433 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,01% lên 4288 điểm, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,67% lên 13.307 điểm. Thị trường Châu Á và Úc mở cửa sáng nay đều đang giảm mạnh, Nikkei 225 giảm 1,47% còn 31.326 điểm, HangSeng giảm 3,06% còn 17.364 điểm, S&P/ASX 200 giảm 1,17% còn 6.950 điểm.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi mở phiên, VN-Index mất hơn 20 điểm. Cơn hoảng loạn của thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay có sự góp sức thêm của thị trường chứng khoán thế giới đang mở cửa.
Là mã có mức vốn hóa lớn, lại giảm 5,12% trong phiên hôm nay, VIC là "thủ phạm" lấy đi của VN-Index gần 2,3 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là cổ phiếu lấy đi nhiều điểm nhất. BID hôm nay lại là cổ phiếu lấy đi nhiều điểm nhất của VN-Index với gần 3 điểm, tiếp theo là cổ phiếu ngành thép HPG, cổ phiếu VHM, các cổ phiếu ngành ngân hàng VPB; kế đến là GAS, GVR.
Thanh khoản vẫn ở mức hơn 21.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 54 tỷ đồng trên toàn thị trường (bán 156 tỷ trên HOSE trong khi mua ròng 14 tỷ và 88 tỷ trên 2 sàn còn lại). BSR là mã được gom mạnh nhất về khối lượng với gần 4,2 triệu đơn vị; xếp sau có HDB, TTA, DPM với khối lượng 1,2 - 1,4 triệu cổ phiếu. Ở chiều bán, VCG, POW, CTG, VPB bị rút ròng từ 1,1 - 2,2 triệu cổ phiếu.
Các cổ phiếu quốc dân như VIX, BCG, TCH, PDR, VND, NVL, DIG, HSG, CII,... đều bị bán hết biên độ. Sắc xanh lơ bao trùm hầu hết các ngành với 83 mã giảm sản, 604 mã giảm giá, chỉ có 120 mã tăng giá, đặc biệt vẫn có 17 mã tăng trần, trong đó có YEG, VPS và RDP.
Thua kiện 178 tỷ đồng, một cổ phiếu vẫn ngược dòng tím lịm
Nhựa Rạng Đông hoạt động từ năm 1960, là một trong những doanh nghiệp nhựa đầu tiên của cả nước. Sau khi cổ phần hóa từ năm 2005, công ty mở rộng loạt nhà máy tại TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Nội, Nghệ An, Long An. RDP chuyên sản xuất các sản phẩm từ nhựa như tôn ván nhựa, bao bì mềm, nhựa y tế, màng nhựa với mức lợi nhuận trung bình khoảng hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, Rạng Đông Holding mới đây vừa thua kiện doanh nghiệp Nhật Bản (Sojitz Planet Corporation) và phải chịu bồi thường hơn 156,9 tỷ đồng cùng nhiều khoản phí có giá trị hơn 21 tỷ. Tổng cộng, Rạng Đông phải trả khoảng 178 tỷ đồng, chưa gồm lãi suất. Đây là hệ quả pháp lý sau khi Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh công nhận và cho thi hành phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) về tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần giữa RDP với cổ đông đến từ Nhật Bản.
Việc thua kiện diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh công ty sa sút mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 trong đó doanh thu giảm 14% so với cùng kỳ còn 1.245 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 53% về 14 tỷ. Kết quả này tương đương 42% và 19,3% mục tiêu cả năm. Tại thời điểm 30/6, nợ phải trả tăng 3% so với đầu năm, lên hơn 1.775 tỷ đồng trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 44% và vay nợ dài hạn chiếm 20,4%.
Mới đây, Rạng Đông Holding đã thông qua việc triển khai phương án chào bán dự kiến 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 10.000 đồng/cp. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 4/2023- quý 2/2024. Tổng số tiền dự kiến thu về (300 tỷ đồng) sẽ dùng để trả nợ vay tại ngân hàng BIDV và trả nợ Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank.
Trên thị trường, chỉ trong 3 phiên gần nhất, cổ phiếu RDP của Công ty CP Rạng Đông Holding đã tăng 19%. Khớp lệnh phiên 2/10 thậm chí cao nhất lịch sử niêm yết. Bất chấp nhịp giảm mạnh của thị trường hôm nay 3/10, cổ phiếu này vẫn tăng trần lên 10.600 đồng/cp và dư mua 775 nghìn đơn vị.