Chứng khoán ảm đạm phiên đầu tuần, cổ phiếu HAG giao dịch bùng nổ
Trong khi thị trường chung trở lại giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản, thì cổ phiếu vừa và nhỏ HAG đã có phiên giao dịch bùng nổ và tiệm cận mức giá trần.
Thị trường đã nhanh chóng trở lại giao dịch trong sắc đỏ trong phiên 23/10 sau phiên đảo chiều khởi sắc cuối tuần trước ngày 20/10. Trong đó, áp lực bán mạnh ngày càng lan rộng hơn thị trường và với sự “cầm đầu” của nhóm VN30, chỉ số VN-Index đã lùi dần đều để tạm dừng phiên sáng tại mức giá thấp nhất 1.090 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn duy trì trạng thái ảm đạm do lực cầu tham gia khá yếu trong khi áp lực bán chiếm áp đảo.
Chỉ số VN-Index quay quanh mức giá 1.090 điểm trong suốt cả phiên chiều và có bật hồi đôi chút về cuối phiên. Tuy nhiên, với sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử do lực bán trên diện rộng vẫn khá lớn, thị trường đã không thể thoát khỏi phiên điều chỉnh giảm tương đối mạnh. Đồng thời, thanh khoản tiếp tục sụt giảm về mức 12.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh chung ảm đạm, cổ phiếu vừa và nhỏ HAG sau phiên sáng chiến thắng thị trường đã được đà tăng tốc trong phiên chiều. Đã có thời điểm HAG khoác áo tím và đóng cửa, cổ phiếu này tăng 6,9% lên sát mức giá trần 8.710 đồng/CP. Đây là phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp của HAG, đồng thời cũng là mức giá cao nhất của mã này trong hơn 1 tháng qua, kể từ phiên 13/9.
Ấn tượng hơn chính là thanh khoản của HAG bùng nổ trong bối cảnh dòng tiền tham gia vào thị trường ngày càng suy yếu. Phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu HAG đã khớp lệnh tới hơn 32,71 triệu đơn vị, cao nhất trong gần 2 tháng qua (từ phiên 31/8) và gấp tới 4 lần so với mức trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây.
Đồng thời, đây cũng là 1 trong 5 phiên có mức giao dịch cao nhất của cổ phiếu HAG kể từ đầu năm. Phiên kỷ lục nhất của HAG trong năm 2023 là ngày 11/7 với khối lượng khớp lệnh đạt 43,6 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu HNG cũng ngược dòng thị trường chung thành công và đóng cửa tăng 1,4% lên mức 3.750 đồng/CP, thanh khoản đạt 1,89 triệu đơn vị.
Ngoài cặp đôi trên, thị trường còn chứng kiến một số mã nhỏ khác đã đi ngược xu hướng chung thành công như OGC duy trì sắc tím vững chắc từ phiên sáng, hay YEG kéo trần thành công trong phiên chiều…
Ngoại trừ một số điểm sáng đơn lẻ, còn lại thị trường chung diễn biến kém tích cực.
Đóng cửa, sàn HOSE có 91 mã tăng và 397 mã giảm, VN-Index giảm 14,5 điểm (-1,31%) xuống 1.093,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 563,1 triệu đơn vị, giá trị gần 12.124 tỷ đồng, cùng giảm hơn 14% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 20/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,62 triệu đơn vị, giá trị 2.013,95 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 vẫn là gánh nặng chính lên thị trường khi có tới 27 mã giảm và chỉ 2 mã tăng. Trong đó, ngoại trừ SSB vẫn giữ sắc xanh với mức tăng 1,4%, cổ phiếu lớn VIC đã “quay xe” thành công trong đợt khớp lệnh ATC và đóng cửa nhích nhẹ 0,1%. Đồng thời, người anh em là VHM cũng lấy lại mốc tham chiếu sau diễn biến rung lắc nhẹ.
Bên cạnh diễn biến có chút tích cực hơn ở cặp đôi lớn VIC và VHM, cổ phiếu VCB cũng giảm gánh nặng lên thị trường, đã giúp VN-Index hãm đà rơi. Kết phiên, VCB chỉ còn giảm nhẹ 0,4% và chỉ còn lấy đi 0,41 điểm của chỉ số chung.
Trái lại, MSN vẫn giữ mức giảm 4,3%, còn các mã MWG, GVR, GAS, SAB đều nới rộng hơn biên độ khi giảm trong khoảng 3-4%. Trong đó, GAS đã lấy đi 1,46 điểm của chỉ số chung, VNM và MSN cùng lấy hơn 1 điểm của chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, diễn biến không khác nhiều phiên sáng khi phần lớn đều trong trạng thái mất điểm, ngoại trừ số ít nhóm nhỏ lẻ ngược dòng thành công. Trong đó, nông – lâm - ngư vẫn tăng tốt nhất nhờ sự đóng góp của HAG – HNG.
Mặt khác, nhóm thủy sản thuộc top giảm sâu nhất. Ngoại trừ CMX tăng 1,81%, còn lại đều mất điểm với VHC giảm 3,5%, ANV giảm hơn 4%, AAM giảm 6,16%, ABT giảm 5,89%, IDI giảm 1,64%...
Nhóm chứng khoán cũng đi giật lùi cùng thị trường khi chỉ còn HCM tăng nhẹ 0,17%, CTS tăng 2,16%, còn lại đều mất điểm. Cụ thể, VIX giảm mạnh 4% xuống mức 14.400 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu ngành, đạt 20,97 triệu đơn vị; VND giảm 2,8% và khớp hơn 16 triệu đơn vị, SSI giảm 2,2% và khớp 15,34 triệu đơn vị…
Trong khi đó, nhóm ngân hàng bớt tiêu cực hơn phần lớn nhờ sự bật hồi của anh cả VCB. Ngoài ra, một số mã như SSB, LPB, EIB đã đóng cửa ở mức giá xanh.
Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ với thanh khoản khá thấp.
Đóng cửa, sàn HNX có 74 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 2,19 điểm (-0,96%) xuống 226,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 63,53 triệu đơn vị, giá trị 1.236,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,65 triệu đơn vị, giá trị 131,09 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 17,65 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 2,4% xuống 16.300 đồng/CP. Các cổ phiếu chứng khoán khác như MBS giảm 2,4%, APS giảm 1,5%, VIG giảm 1,4%...
Nhiều cổ phiếu khác trong rổ HNX30 cũng không thoát khỏi xu hướng giảm như PVS và HUT cùng giảm 1,8%, IDC giảm 1,6%, PVC giảm 1,7%...
Trái lại, CEO đã ngược dòng thành công dù đà tăng có chút thu hẹp. Kết phiên, CEO tăng 1,5% lên 20.300 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua SHS, đạt 12,73 triệu đơn vị.
Cổ phiếu nhỏ TKG vẫn giữ vững đà tăng trần, kết phiên tăng 8,6% lên mức 6.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 0,92 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường không nhiều biến động so với phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,41%) xuống 85,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,3 triệu đơn vị, giá trị 340,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,52 triệu đơn vị, giá trị 41,58 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR đã lấy lại vị trí vua thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt hơn 5,23 triệu đơn vị, tuy nhiên sau diễn biến rung lắc mã này đã để mất điểm và đóng cửa giảm nhẹ 0,5% xuống mức 20.300 đồng/CP.
Trong khi đó, OIL vẫn giữ mức tăng nhẹ 1% lên 10.600 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 0,62 triệu đơn vị.
Cổ phiếu nhỏ CMM vẫn là tâm điểm đáng chú ý khi đóng cửa giữ mức giá trần 7.100 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ, đạt gần 2,4 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, trong đó VN30F2311 giảm 12,1 điểm, tương đương -1,1% xuống mức 1.104,9 điểm, khớp hơn 286.400 đơn vị, khối lượng mở 47.310 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong đó, mã dẫn đầu thanh khoản là CSTB2321 khớp 6,39 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,9% xuống 810 đồng/cq.
Tiếp theo là CSTB2310 khớp 3,37 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,7% xuống 720 đồng/cq.