Chứng khoán bị bán tháo ngay từ đầu phiên do ảnh hưởng từ thế giới
Đúng như lo ngại sau khi Chủ tịch FED phát đi thông điệp về việc cứng rắn với xử lý lạm phát, chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên đầu tuần hôm nay bị 'nhuộm đỏ'. Hàng loạt các cổ phiếu bị bán tháo trên diện rộng.
Ngay từ 15 phút phiên ATO, các cổ phiếu rổ VN30 đã bị kê lệnh bán tới tấp khiến chỉ số này giảm gần 20 điểm. Lệnh bán cũng lan rộng ở 2 sàn HNX và UPCoM. Thời điểm 9h45 sáng, VN-Index giảm hơn 18 điểm so với kết phiên thứ Sáu tuần trước, lùi về mốc 1.264 điểm.
Các cổ phiếu bị bán tháo trên diện rộng với nhóm giảm mạnh nhất là chứng khoán. Chỉ còn một số mã đi ngược số đông. Như cặp đôi phân bón DPM và DCM vẫn tăng hơn 3%, BVH, KSF tăng nhẹ.
Sự phản ứng của thị trường sáng nay tương ứng với diễn biến của chứng khoán thế giới sau phát biểu của Chủ tịch FED hôm 26/8. Tính tới lúc 9h25 (giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 300 điểm (tương đương 0,93%), S&P 500 và Nasdaq 100 giảm tương ứng 1,18% và 1,6%.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 khởi đầu phiên với mức lao dốc hơn 800 điểm (tương đương 2,8%), Kospi sụt 2,16% và ASX 200 rớt 1,79%.
Cuối tuần trước, Dow Jones lao dốc 1,008 điểm (tương đương hơn 3%), phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2022. S&P 500 sụt 3,4% và Nasdaq Composite rớt 3,9%.
Tại Hội nghị Jackson Hole diễn ra hôm 26/8 vừa qua, ông Jerome Powell – Chủ tịch FED cho biết cơ quan này sẽ dùng “các công cụ một cách quyết liệt” để kìm hãm lạm phát – vốn vẫn đang quanh quẩn gần mức đỉnh hơn 40 năm, và điều này có thể gây ra “một số nỗi đau” cho nền kinh tế Mỹ.
Trong tuần này, nhiều quan chức FED sẽ phát biểu, trong đó Phó Chủ tịch FED Lael Brainard phát biểu vào ngày 30/08. Sau đó là báo cáo việc làm tháng 8/2022 vào ngày 02/09.
Tại Việt Nam, sáng nay (29/8), Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước do giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và bước sang năm học mới 2022-2023, học phí giáo dục tại một số địa phương tăng trở lại; tuy nhiên giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm từ tháng 7/2022. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2022 tăng 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,58%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.