Chứng khoán BSC dự báo tăng trưởng GDP năm nay cao nhất 5%, sẽ phục hồi lên 6-6,5% vào 2024

Chứng khoán BSC mới đây đã công bố dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay. Ở kịch bản tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5%.

Tăng trưởng GDP giảm tốc trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ tác động bên ngoài

Nhóm phân tích nhận định con số tăng trưởng GDP quý II/2023 chỉ đạt 4,14% theo số liệu từ Tổng cục Thống kê là mức thấp gần nhất trong hàng chục năm trở lại đây, ngoại trừ giai đoạn bắt đầu dịch COVID-19 năm 2020. Sự suy giảm của tốc độ tăng trưởng kinh tế chủ yếu đến từ tác động bên ngoài, trong bối cảnh các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU,… đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát, dẫn tới nhu cầu hàng xuất khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, ảnh hưởng tới mảng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo báo cáo của BSC, trong quý II/2023, tăng trưởng IIP toàn ngành chỉ đạt 0,15% so với cùng kỳ, riêng ngành Công nghiệp chế biến chế tạo ghi nhận tăng trưởng -0,40%. Chỉ số quản trị thu mua (PMI) tháng 6 đạt 46,2 điểm, tăng từ mức 45,3 điểm của tháng 5 nhưng vẫn là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này nằm dưới ngưỡng trung lập 50 điểm. Những con số phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh vẫn yếu kém, tuy nhiên tốc độ suy yếu đã cải thiện so với tháng trước.

Trong khi đó, ở lĩnh vực thương mại, xuất khẩu quý II ghi nhận mức giảm 11,6% so với cùng kỳ và nhập khẩu giảm 17,86%. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu giảm 12% trong khi nhập khẩu giảm 18,2%, dẫn đến lũy kế cán cân thương mại ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.Theo nhóm phân tích, nhu vực xuất nhập khẩu yếu do cầu thế giới suy giảm là nguyên nhân chính khiến khu vực sản xuất tăng trưởng yếu trong các tháng đầu năm.

 Nguồn: BSC

Nguồn: BSC

 Nguồn: BSC

Nguồn: BSC

Cùng với cầu khu vực xuất khẩu suy yếu, tăng trưởng tiêu dùng trong nước cũng đang cho thấy dấu hiệu chậm lại. Theo đó, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3,02 triệu tỷ đồng, tăng 10,92% so với cùng kỳ. Con số phản ánh tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng trong nước vẫn đang trên đà chậm dần. Điểm sáng là du lịch vẫn đang tăng trưởng tốt khi tổng lượng khách du lịch quốc tế và trong nước 6 tháng đạt khoảng 70 triệu lượt. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục ở mức cao trong khoảng 1 – 2 tháng tới do hiện tại đang là mùa cao điểm du lịch Việt Nam. BSC kỳ vọng đây sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

 Nguồn: BSC

Nguồn: BSC

Về đầu tư, giải ngân vốn NSNN nửa đầu năm ước tăng 20,46% so với cùng kỳ (tương đương 232,23 nghìn tỷ đồng, bằng 33% so với kế hoạch năm 2023). Xét trên tiến độ kế hoạch, giải ngân vốn NSNN vẫn còn chậm, chủ yếu do các vướng mắc ở khâu pháp lý, thủ tục. Trong khi đó, giải ngân vốn FDI lũy kế giảm 0,37% trong khi tổng vốn FDI đăng ký giảm mạnh 19,91%. Theo BSC, mặc dù vốn FDI đăng ký cấp mới vẫn có sự tăng trưởng tốt qua các tháng, nhưng sự suy giảm đến từ vốn FDI đăng ký tăng thêm khiến tổng vốn FDI đăng ký vẫn giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đà giảm này đang thu hẹp.

 Nguồn: BSC

Nguồn: BSC

Trong khi đó, bức tranh về doanh nghiệp cũng phản ánh phần nào thách thức với nền kinh tế, khi số doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 0,47% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 7,35%. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, hoàn tất thủ tục giải thể đều tăng, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp giảm khoảng 19,42% so với cùng kỳ. Sử dụng lao động công nghiệp toàn ngành giảm 4,2% (riêng khu vực công nghiệp chế biến chế tạo ghi nhận mức giảm 4,5%).

Dự báo tăng trưởng GDP 2023 cao nhất 5%

Trong hai kịch bản dự phóng tăng trưởng GDP cả năm mới cập nhật, BSC cho rằng ở kịch bản tiêu cực, tăng trưởng có thể chỉ đạt 3,7% và ở kịch bản tích cực, tăng trưởng đạt 5%. Cả hai con số này đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 7 năm (2015-2021) và thấp hơn tốc độ tăng trưởng 8% của năm 2022 - thời điểm nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ dịch COVID-19.

 Nguồn: BSC

Nguồn: BSC

Cụ thể, ở kịch bản tích cực, với dự báo tăng trưởng GDP đạt 5%, lạm phát dự kiến đạt 2,8% với các giả định chính là giá dầu Brent trung bình dao động quanh ngưỡng 70 - 90 USD/thùng; giá lợn nằm trong vùng 60 – 70 nghìn đồng/kg; giá điện ước tính tăng 7 % so với cuối năm 2022. Cùng đó, dự phóng kim ngạch xuất khẩu giảm 10,5% và nhập khẩu giảm 14,5%.

Ở kịch bản tiêu cực, dự báo tăng trưởng GDP đạt 3,7%, lạm phát dự kiến khoảng 4%, cùng đó dự phóng kim ngạch xuất khẩu giảm 15,7% và nhập khẩu giảm 19%.

Theo BSC, dữ liệu từ khảo sát PMI cho thấy lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục suy giảm. Yếu tố này phản ánh khả năng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục giảm trong các tháng tới, qua đó tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Cũng trong báo cáo, BSC dự phóng tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ phục hồi lên 6-6,5% khi xuất nhập khẩu tăng tốc từ mức nền thấp của năm nay.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chung-khoan-bsc-du-bao-tang-truong-gdp-nam-nay-cao-nhat-5-se-phuc-hoi-len-6-65-vao-2024.html