Chứng khoán châu Á đa phần đi lên trong chiều 18/1

Chứng khoán châu Á đa phần đi lên trong chiều 18/1, với chứng khoán Nhật Bản tăng vọt và đồng yen yếu đi sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định không tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Chứng khoán châu Á đa phần đi lên trong chiều 18/1. Ảnh tư liệu: AP/TTXVN

Chứng khoán châu Á đa phần đi lên trong chiều 18/1. Ảnh tư liệu: AP/TTXVN

Sự chú ý dành nhiều cho chứng khoán Nhật Bản trong chiều 18/1, khi nhà đầu tư nhẹ nhõm hơn vì BoJ giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 2,50% (tương đương 652,44 điểm) và kết thúc ở mức 26.791,12 điểm.

Các nhà giao dịch đã rất kỳ vọng vào quyết định giữ nguyên chính sách của BoJ, sau khi ngân hàng trung ương này vào tháng trước đã gây sốc cho thị trường với việc cho phép lợi suất trái phiếu được di chuyển trong một khung rộng hơn.

Ông Clifford Bennett, nhà kinh tế trưởng tại công ty môi giới đầu tư ACY Securities, cho biết quyết định này cho thấy BoJ đang hành động phù hợp trong bối cảnh con đường tăng trưởng kinh tế vẫn chưa chắc chắn và mức lạm phát vẫn còn thấp.

Giờ đây, trọng tâm chú ý của thị trường sẽ chuyển sang việc bổ nhiệm một Thống đốc mới cho BoJ.

Tại thị trường Trung Quốc, các chỉ số chính đều đi lên với chứng khoán Hong Kong nối lại đà tăng bắt đầu trong năm nay. Chỉ số Hang Seng phiên này tăng 0,47% (100,36 điểm) lên 21.678,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải hầu như không thay đổi khi đóng cửa, chỉ nhích 0,16 điểm lên 3.224,40 điểm.

Các thị trường Sydney, Singapore, Wellington, Manila, Bangkok và Mumbai cũng đồng loạt tăng.

Đi ngược lại xu hướng tăng điểm chung của khu vực, chứng khoán Hàn Quốc giảm ngày thứ hai liên tiếp khi nhà đầu tư thận trọng trước mùa báo cáo thu nhập sẽ bắt đầu vào tuần tới. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,47% (11,07 điểm) xuống 2.368,32 điểm.

Nỗi lo về triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn phần nào ám ảnh thị trường. Báo cáo thu nhập yếu từ "gã khổng lồ" ngành ngân hàng Goldman Sachs, cảnh báo về triển vọng việc làm của Microsoft cùng sự sụt giảm trong số liệu sản xuất đã làm nổi bật con đường gập ghềnh phía trước của Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới - bất chấp sự lạc quan về lạm phát và triển vọng lãi suất được cải thiện.

Tuy nhiên, hy vọng về sự phục hồi của Trung Quốc tiếp tục mang lại sự hỗ trợ rất cần thiết. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức ở Davos, Thụy Sỹ rằng tăng trưởng kinh tế của nước này có thể sẽ phục hồi trong năm nay, khi Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới.

Phát biểu này đã làm tăng thêm hy vọng về một sự phục hồi cho kinh tế toàn cầu sau một năm nhiều sóng gió do giá cả và lãi suất tăng, kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, chi phí năng lượng leo thang đột biến và cuộc chiến ở Ukraine.

Tại thị trường trong nước kết thúc phiên giao dịch ngày 18/1, chỉ số VN - Index tăng 9,99 điểm (0,92%) lên 1.098,28 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 2,58 điểm (1,2%) lên 217,73 điểm.

H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/chung-khoan-chau-a-da-phan-di-len-trong-chieu-181-20230118173455524.htm