Chứng khoán châu Á gượng dậy sau lần lao dốc mạnh

Cổ phiếu Nhật Bản phục hồi mạnh trong phiên giao dịch ngày 6/8 sau khi Nikkei 225 và Topix giảm hơn 12% trong phiên trước đó.

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 2/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Nikkei tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 2/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các thị trường khác ở châu Á - Thái Bình Dương cũng mở cửa với sắc xanh. Kênh CNN (Mỹ) đưa tin, trong phiên giao dịch ngày 6/8, Nikkei 225 tăng 11% trong khi Kospi (Hàn Quốc) tăng 4,2%. Chỉ số Hang Seng (Hong Kong, Trung Quốc) tăng 1%. Tất cả những thị trường này đều chìm trong sắc đỏ ở phiên giao dịch trước đó.

Phiên giao dịch ngày 5/8, Nikkei 225 của Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm cao nhất trong ngày kể từ vụ sụp đổ Thứ Hai Đen năm 1987. Lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ và giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) liên quan đến đồng yen đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc.

Bộ Lao động Mỹ gần đây thông báo rằng tỷ lệ thất nghiệp tăng trong tháng 7. Nền kinh tế Mỹ chỉ tăng thêm 114.000 việc làm phi nông nghiệp mới vào tháng 7, giảm mạnh so với con số trước đó là 179.000 và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 150.000.

Đáng báo động là tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng từ 4,1% lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Dữ liệu kinh tế thấp hơn dự kiến đã thúc đẩy làn sóng đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn. Vào ngày 5/8, Goldman Sachs nâng dự đoán về suy thoái kinh tế Mỹ trong năm tới từ 15% lên 25%.

Trong khi đó, vào tuần trước, chính phủ Nhật Bản xác nhận một đợt can thiệp trị giá 36,8 tỷ yen sau khi đồng nội tệ quốc gia này giảm xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với USD. Đây là đợt can thiệp thứ hai kể từ cuối tháng 5, là đợt can thiệp đầu tiên kể từ tháng 10/2022. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhật Bản đã tăng lãi suất chuẩn lên khoảng 0,25% từ mức trước đó là 0% đến 0,1%, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.

Diễn biến này gây quan ngại về tác động đáng kể đến giao dịch chênh lệch lãi suất, vốn là một chiến lược giao dịch phổ biến trên thị trường tiền tệ và tác động đến cả thị trường tài chính.

Giao dịch chênh lệch lãi suất thường có nghĩa là nhà đầu tư vay từ một quốc gia có lãi suất thấp và đồng tiền yếu hơn (trong trường hợp này là Nhật Bản) rồi tái đầu tư số tiền đó vào tài sản của một quốc gia khác ở các nền kinh tế mới nổi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Ngày 5/8, đồng yen đạt mức cao nhất trong 7 tháng so với đồng bạc xanh Mỹ với 143 yen đổi 1 USD. Đồng yen đã giảm nhẹ vào ngày 6/8, tụt 0,8% xuống còn 145 yen đổi 1 USD.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNBC, CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chung-khoan-chau-a-guong-day-sau-lan-lao-doc-manh-20240806093347799.htm