Chứng khoán châu Á khởi đầu năm 2025 trong không khí ảm đạm
Ngày 2/1, thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm 2025 trong không khí ảm đạm, khi nhà đầu tư vẫn thận trọng trước viễn cảnh ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và chính sách thắt chặt tiền tệ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Năm 2025 khởi đầu không mấy thuận lợi đối với các cổ phiếu khi thị trường đối mặt với sự không chắc chắn về những chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và kỳ vọng Fed duy trì lập trường chính sách lãi suất cao.
Dù chứng khoán toàn cầu ghi nhận mức tăng gần 16% trong cả năm 2024, thị trường lại giảm hơn 2% trong tháng 12 – tháng thường được kỳ vọng có xu hướng tích cực.
Tương tự, chỉ số chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không bao gồm Nhật Bản), giảm 1,2% trong tháng 12/2024 nhưng vẫn tăng hơn 7% trong cả năm 2024. Trong phiên sáng ngày 2/1/2025, chỉ số này tiếp tục giảm 0,5% khi khối lượng giao dịch thấp do kỳ nghỉ lễ tại Nhật Bản.
Nhà phân tích thị trường Tony Sycamore tại ngân hàng IG, nhận xét: “Chúng ta đang ở giai đoạn ‘mờ mịt’, trước khi ông Trump chính thức nhậm chức. Tháng 12 vừa qua không mang lại sự tăng trưởng tích cực như thường lệ, điều này làm tôi lo ngại rằng thị trường có thể đang đối mặt với những áp lực tiềm ẩn”.
Mở cửa phiên 2/1, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh. Chỉ số CSI300 giảm 1,43%, trong khi Shanghai Composite mất 1%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 1,74%.
Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025, đặc biệt sau khi chính phủ nước này cam kết đưa ra các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế hơn 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà ông Trump đề cập có thể tạo ra những trở ngại lớn.
Ông Yingrui Wang, nhà kinh tế tại công ty quản lý đầu tư AXA Investment Managers, cho biết: “Để tránh các kịch bản ngoài dự kiến Trung Quốc sẽ phải dựa nhiều vào các biện pháp hỗ trợ chính sách”.
Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI giảm nhẹ 0,07%, tiếp tục chuỗi ngày giảm sau khi mất hơn 22% trong năm 2024, trở thành thị trường có hiệu suất hoạt động kém nhất châu Á do khủng hoảng chính trị kéo dài.
Tình hình bất ổn toàn cầu cùng với kỳ vọng Fed giảm lãi suất chậm hơn đã giúp đồng USD duy trì sự ổn định. Trong năm 2024, khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác khiến nhiều đồng tiền giảm mạnh so với USD.
Mở cửa phiên 2/1/2025, đồng USD tăng 0,3%, giao dịch ở mức 157,43 yen/USD, đẩy đồng yen Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong hơn 5 tháng. Đồng euro tăng nhẹ 0,06% lên 1,0360 USD/euro, trong khi bảng Anh giảm 0,03% xuống 1,2522 USD/bảng.