Chứng khoán châu Á mở đầu tuần với ngày thứ Hai đen tối

Chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc đã dẫn đầu đà lao dốc trên khắp các thị trường chứng khoán châu Á vào thứ Hai (5/8), sau khi dữ liệu việc làm yếu kém của Mỹ làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế ở nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Một báo cáo việc làm của Mỹ không đạt kỳ vọng đã không chỉ khiến mọi người kinh ngạc mà còn khiến cổ phiếu và lợi suất trái phiếu giảm, đồng thời khiến kỳ vọng về biến động và cắt giảm lãi suất tăng vọt.

Tâm lý thị trường đã trở nên tồi tệ ở châu Á sau một mùa báo cáo đáng thất vọng từ các công ty công nghệ lớn như Tesla và Alphabet cũng như việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất và dữ liệu kinh tế yếu hơn của Trung Quốc.

"Kết hợp những yếu tố này lại, chúng ta sẽ có công thức sụp đổ thị trường hoàn hảo", nhà phân tích Stephen Innes tại SPI Asset Management cho biết.

Hôm thứ Hai (5/8), chứng khoán Hàn Quốc đã dùng tới cơ chế “ngắt mạch” (circuit breaker) lần đầu tiên sau bốn năm. Chỉ số Kospi đã giảm 8,78% sau khi giảm 3,7% vào thứ Sáu (2/8) và là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Sự sụt giảm đã kích hoạt trạng thái “ngắt mạch” trên Kospi lần đầu tiên kể từ năm 2020. Cơ chế này sẽ tạm dừng mọi giao dịch cổ phiếu và sản phẩm phái sinh trong 20 phút, được kích hoạt khi các chỉ số giảm hoặc tăng hơn 8%.

Trên thị trường châu Á rộng lớn hơn, chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã giảm hơn 2%.

Các công ty sản xuất chip lớn như Samsung Electronics và SK Hynix đã giảm hơn 9%, theo sau sự sụt giảm mạnh của Chỉ số bán dẫn Philadelphia, vốn đã thúc đẩy đà tăng của Phố Wall nhờ sự lạc quan xung quanh trí tuệ nhân tạo (AI)

Chỉ số Kospi đã giảm 14% so với mức đỉnh sáu tháng là 2.860,42 ghi nhận vào tháng 7.

"Thị trường đã bước vào vùng cực kỳ sợ hãi trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ sụt giảm, lo ngại về nền kinh tế Mỹ chậm lại và sự sụt giảm mạnh ở các thị trường châu Á", Kim Dae-jun, nhà phân tích của Korea Investment Securities cho biết.

Mới đây, các nhà chức trách Hàn Quốc đã đưa ra một số bình luận để xoa dịu tâm lý nhà đầu tư, với việc Bộ trưởng Tài chính cam kết sẽ ứng phó với tình trạng biến động thị trường gia tăng theo một kế hoạch dự phòng.

Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản đã giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng trước khi niềm tin của nhà đầu tư sụp đổ do đồng yên tăng giá, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và triển vọng kinh tế xấu đi ở Mỹ.

Chỉ số chứng khoán Topix và Nikkei 225 đã giảm hơn 12% vào thứ Hai (5/8), là mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987, và chuẩn bị bước vào thị trường giá xuống. Cơ chế ngắt mạch tạm thời cũng được áp dụng.

Người phát ngôn chính phủ hàng đầu của Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, họ "sẽ tiếp tục cảnh giác và theo dõi diễn biến thị trường với sự quan tâm sâu sắc.

Chúng tôi biết rằng có nhiều đánh giá khác nhau về sự sụt giảm của cổ phiếu lần này và về tình hình kinh tế Nhật Bản, nhưng chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để thoát hoàn toàn khỏi tình trạng giảm phát và chuyển sang nền kinh tế tăng trưởng.

Về cơ bản, chúng ta đang chứng kiến một đợt giảm đòn bẩy hàng loạt khi các nhà đầu tư bán tài sản để trang trải cho khoản lỗ… Tốc độ của động thái này khiến tôi bất ngờ; hiện có rất nhiều đợt bán tháo hoảng loạn, đó là nguyên nhân khiến những phản ứng phi tuyến tính này trong giá tài sản trở thành động lực cơ bản khá đơn giản”, Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.Com cho biết.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thực hiện tăng lãi suất quan trọng vào ngày 31/7, gây ra sự gia tăng đột biến của đồng yên, khiến triển vọng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu trở nên u ám. Các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) được tài trợ bằng đồng yên nằm trong số những giao dịch phổ biến nhất ở các thị trường mới nổi vì tính biến động vẫn ở mức thấp và các nhà đầu tư đặt cược rằng lãi suất của Nhật Bản sẽ vẫn ở mức thấp nhất.

“Đợt bán tháo lớn mới nhất trên thị trường cổ phiếu Nhật Bản được củng cố bởi sự suy thoái của thị trường Mỹ và dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ, đã tạo ra một sự thiết lập lại lớn về kỳ vọng đối với lợi nhuận cổ phiếu Nhật Bản trong phần còn lại của năm”, Andrew Jackson, người đứng đầu chiến lược cổ phiếu Nhật Bản tại Ortus Advisors Pte ở Singapore cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan-chau-a-mo-dau-tuan-voi-ngay-thu-hai-den-toi-post350877.html