Chứng khoán châu Á thận trọng trước các sự kiện kinh tế quan trọng sắp tới
Chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 25/7, khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước hàng loạt sự kiện kinh tế quan trọng sắp diễn ra.

Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN
Chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch chiều 25/7, khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước hàng loạt sự kiện kinh tế quan trọng sắp diễn ra, bao gồm thời hạn chót cho các thỏa thuận thương mại của Mỹ với các đối tác, và các cuộc họp chính sách tiền tệ quan trọng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Chỉ số MSCI toàn cầu đã rút lui khỏi mức cao kỷ lục và thấp hơn 0,2% so với lúc mở cửa.
Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm phiên cuối tuần, khi các nhà đầu tư đua nhau chốt lời sau khi chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 2.000 điểm trong hai phiên gần nhất nhờ thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa giảm 370,11 điểm (0,88%), xuống còn 41.456,23 điểm.
Đồng USD tăng giá nhẹ lên khoảng giữa 147 yen đổi 1 USD tại thị trường Tokyo sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ bất ngờ giảm, giúp xoa dịu lo ngại về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán chủ chốt giảm nhẹ vào phiên 25/7, tạm dứt đà tăng gần đây, khi các nhà đầu tư chốt lời, mặc dù thị trường vẫn đang trên đà tăng trưởng trong tuần thứ năm liên tiếp. Chốt phiên này, chỉ số Hang Seng giảm 1,1%, xuống 25.388,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite hạ 0,3%, xuống 3.593,66 điểm.
Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI nhích 0,18% lên 3.196,05 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp khi nhà đầu tư kỳ vọng vào tiến triển đàm phán thương mại giữa Hàn Quốc và Mỹ. Dù vậy, đà tăng bị hạn chế do những bất ổn vẫn còn kéo dài trước thời hạn 1/8 – thời điểm Mỹ có thể áp thuế lên hàng hóa từ nhiều đối tác. Nhóm cổ phiếu công nghệ diễn biến trái chiều: Samsung Electronics giảm 0,15%, SK hynix mất 1,3%. LG Energy Solution cũng giảm 1,22% sau khi cổ phiếu Tesla lao dốc mạnh trong phiên trước.
Nhóm cổ phiếu sinh học chịu áp lực bán, với Samsung Biologics và Celltrion lần lượt mất hơn 2% và 1,33%. Các hãng ô tô Hyundai Motor và Kia đều đi xuống sau khi báo cáo lợi nhuận quý II/2025 sụt giảm do ảnh hưởng từ mức thuế nhập khẩu 25% của Mỹ. Ngược lại, cổ phiếu tài chính và đóng tàu giao dịch tích cực. HD Hyundai Heavy tăng mạnh gần 6% nhờ kỳ vọng hợp tác với Mỹ, Hanwha Ocean cũng tăng hơn 1%.
Tâm lý thị trường toàn cầu thời gian gần đây được cải thiện nhờ loạt thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, dữ liệu việc làm Mỹ khả quan hơn dự kiến khiến nhà đầu tư lo ngại Fed có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Tại các thị trường lớn khác, chỉ số STOXX 600 của châu Âu giảm 0,5% trong phiên sáng ngày 25/7 (giờ địa phương). Tuần tới được dự báo thị trường sẽ đầy biến động với loạt sự kiện then chốt như cuộc họp của Fed, báo cáo việc làm tháng 7/2025 của Mỹ, kết quả kinh doanh từ các "ông lớn" công nghệ Amazon, Apple, Meta và Microsoft. Nhà đầu tư cũng dõi theo cuộc họp của BoJ và tình hình chính trị Nhật Bản sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ishiba mất đa số tại Thượng viện. Tại thị trường Việt Nam, chứng khoán giao dịch rất sôi động, dòng tiền chảy vào thị trường ngày càng tăng. Nhờ đó, VN-Index vừa chốt phiên cao nhất lịch sử giao dịch. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 25/7, VN-Index tăng 10,11 điểm lên 1.531,13 điểm. Đây là mức chốt phiên cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động (trước đó, phiên chốt phiên có mức cao lịch sử là 6/1/2022, VN-Index đạt 1.528,57 điểm). Thậm chí, VN-Index nhiều thời điểm trong phiên còn chạm mốc 1.534 điểm. HNX-Index tăng 3,89 điểm lên 254,56 điểm.