Chứng khoán chờ làn gió mới

Thu hút dòng tiền nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng chất thị trường, nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK)… là các câu chuyện của chứng khoán năm 2024 mà cơ quan quản lý và các thành viên tham gia thị trường đã và đang đặt ra để nâng hiệu quả phát triển TTCK.

Những “lỡ hẹn” của năm 2023

Năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực so với các thị trường ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2022, tương đương khoảng 62% GDP năm 2022 với 739 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đạt trên 17.500 tỷ đồng/phiên.

Chứng khoán được đánh giá là một lựa chọn hấp dẫn trong các kênh đầu tư năm 2024. Ảnh: Công Hùng

Chứng khoán được đánh giá là một lựa chọn hấp dẫn trong các kênh đầu tư năm 2024. Ảnh: Công Hùng

Bên cạnh nỗ lực vượt khó thì chứng khoán Việt năm 2023 vẫn còn nhiều lời hẹn “chưa thành”. Đó là tỷ lệ tài khoản mở mới giảm, khối ngoại bán ròng và lỡ hẹn nâng hạng TTCK. Đây sẽ là những câu chuyện lớn mà cơ quan quản lý và các thành viên tham gia thị trường đặc biệt quan tâm để giải quyết năm 2024.

Sau thời kỳ bùng nổ 2021, 2022, ghi nhận hơn 4,1 triệu tài khoản mở mới qua 2 năm, tới 2023 số lượng này giảm mạnh. Cả năm qua, nhà đầu tư trong nước mở thêm 385.700 tài khoản chứng khoán. Theo số liệu Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố, tính hết năm 2023, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt hơn 7,2 triệu đơn vị, tương đương khoảng 7,2% dân số. Tuy nhiên, con số này lại giảm so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, dòng tiền cá nhân quay trở lại mạnh mẽ từ tháng 4, vực dậy thanh khoản thị trường nhờ chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất huy động giảm mạnh. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng chứng kiến hoạt động bán ròng của khối ngoại gia tăng do chịu ảnh hưởng bởi rủi ro tỷ giá khi chênh lệch lãi suất giữa USD và VND ngày càng giãn rộng, cùng với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chưa thật sự hấp dẫn. Mặc dù khối ngoại bán ròng nhưng nhà đầu tư cá nhân lại ảnh hưởng đáng kể đến thị trường từ tháng 4 đến tháng 9. Tuy nhiên, vào cuối tháng 9 đến tháng 10, nhóm này chuyển sang chế độ đề phòng rủi ro khi những cơn gió ngược ập đến, khiến thanh khoản sụt giảm mạnh và thị trường điều chỉnh từ mức đỉnh 1.250 điểm.

Năm 2023 cũng là năm TTCK Việt lại một lần nữa tiếp tục lỡ hẹn câu chuyện nâng hạng thị trường. Theo đó, Việt Nam đã được FTSE Russell thêm vào danh sách theo dõi để có thể nâng hạng lên Thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9/2018 và đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí của FTSE. Tuy nhiên, sau 5 năm rà soát, Việt Nam vẫn chưa thể cải thiện các tiêu chí còn lại chủ yếu liên quan tới “thanh toán và bù trừ”.

Nâng chất hàng hóa trên thị trường chứng khoán

Báo cáo chiến lược đầu tư của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, quan sát trong quá khứ, Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài tích cực khi nền kinh tế tăng trưởng cao và định giá thị trường hấp dẫn. Đó là giai đoạn kinh tế có những bước tiến lớn trong thương mại hay chuyển hóa như WTO, thoái vốn Nhà nước, nâng hạng hoặc các thị trường phát triển hơn có chính sách kích thích đầu tư ra nước ngoài.

“Trong ngắn hạn, chúng tôi chưa thấy có nhiều chuyển biến tích cực ở các điều kiện trên. Dù vậy, chúng tôi kỳ vọng chính sách tiền tệ của các ngân hàng T.Ư lớn sẽ đảo chiều sang nới lỏng trong nửa cuối năm 2024 và định giá thị trường cổ phiếu ở thị trường phát triển không còn hấp dẫn sẽ thúc đẩy sự phân bổ lại dòng tiền, một phần sang các thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam”- chuyên gia Rồng Việt nhận định.

Ở mặt tích cực hơn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư (Công ty Chứng khoán SSI) Hoàng Việt Phương đánh giá, năm 2023, năng lực thích nghi của DN đã tốt hơn sau giai đoạn biến động do Covid-19 và kinh tế suy yếu mang lại. Vì thế, năm 2024 sẽ là năm phục hồi và củng cố nền tảng cho DN và TTCK quay lại quỹ đạo tăng trưởng. Mặt khác, các giải pháp tiếp tục phát triển minh bạch và tăng kỷ luật kỷ cương thị trường.

Bên cạnh đó, bà Hoàng Việt Phương cho rằng, quá trình đẩy nhanh việc vận hành hệ thống KRX, mô hình thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) và hỗ trợ hoạt động IPO nhằm mở rộng chiều sâu của thị trường là các giải pháp kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền từ trong và ngoài nước vào TTCK. Ngoài ra, hoàn thiện khung pháp lý về TTCK, hoạt động kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý thị trường theo hướng bảo vệ tối đa lợi ích nhà đầu tư là các giải pháp để phát triển TTCK minh bạch và bền vững.

Trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 vừa ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK sẽ đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Chính phủ cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á. Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ đề nghị phải tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, bước sang năm 2024, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán tiếp tục hoàn thiện thể chế; chú trọng chất lượng và tiến độ sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật để phát triển TTCK bền vững; tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời bảo đảm hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên TTCK vận hành liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để bảo đảm sự đồng bộ về giao dịch, thanh toán sau giao dịch; phát triển các sản phẩm mới, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư.

"Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường vai trò quản lý, chủ động theo dõi các đơn vị để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; nâng cao chất lượng hàng hóa của thị trường… Ngoài ra, tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các đơn vị liên quan để triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục triển khai đẩy mạnh các giải pháp phát triển thị trường nhằm sớm được nâng hạng thị trường, tiếp tục tạo điều kiện cho các DN niêm yết được huy động vốn qua thị trường chứng khoán, gắn IPO với niêm yết, rút ngắn thời gian phát hành IPO với thời gian được niêm yết trên thị trường chứng khoán và chủ động công bố thông tin.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương

Việc tăng chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đẩy mạnh minh bạch thị trường chứng khoán sẽ giúp tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một khi thị trường minh bạch cũng sẽ góp phần giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước lẫn nước ngoài.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Đỗ Bảo Ngọc

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-cho-lan-gio-moi.html